Nhiều năm gần đây, ở ta, xu thế xem giấy loại là một loại rác đang thắng thế. Đây quả là một sự nhầm lẫn tai hại. Bởi từ rất lâu, tại các nước phát triển thậm chí là tại các nước đang phát triển, giấy loại (giấy báo cũ, giấy vụn, các loại bao bì giấy đã qua sử dụng...) được xem là bán nguyên liệu của ngành sản xuất giấy.
Nghiên cứu về giấy của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho thấy: sản xuất một tấn giấy sử dụng nguyên liệu là giấy loại tái sinh sẽ tiết kiệm được 22,6m3 nước, 4.100 kwh điện so với sản xuất từ bột giấy. Giấy loại tái sinh cũng gây ô nhiễm không khí ít hơn 74%, ô nhiễm nước ít hơn 35% so với bột giấy. Ở nước ta nói chung, Bình Định nói riêng, phần lớn các cơ sở tái sinh giấy đều sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu nhập khẩu từ Trung Quốc. Công nghệ tái chế giấy của Trung Quốc gần như không quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải, nước thải được xả thẳng ra môi trường nên đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các chỉ số BOD, COD, SS, dầu, coliform đều vượt giới hạn cho phép, nước thải công nghiệp xả ra nguồn là loại C. Các lò hơi phục vụ cho quá trình xeo giấy xả vào môi trường các loại khí thải như bụi, CO, SO2... Những biểu hiện đã từng xảy ra ở khu vực sản xuất của DNTN sản xuất giấy T.B ở Nhơn Phú (Quy Nhơn) là ví dụ.
Thế nhưng không phải vì thế mà có thể bỏ quên lĩnh vực tái sinh giấy loại. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải đổi mới công nghệ, và tận dụng những cơ hội tiếp cận với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế. Rất nhiều chuyên gia môi trường quốc tế đã tỏ ý tiếc rẻ khi biết rằng ở Việt Nam từng có những phong trào kế hoạch nhỏ rất thân thiện với môi trường như: thu gom giấy vụn, chai lọ thủy tinh, phế liệu nhựa... Vậy nên có thể nhắc lại rằng - Giấy loại không phải là rác.
. Đ.A
|