Việc đeo thẻ công chức không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức trong quan hệ giao dịch công tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội khác và công dân, mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đeo thẻ trong giao dịch và thi hành công vụ. Đồng thời, thẻ công chức còn giúp cho việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức cả về con người và thời gian làm việc.
Xác định tầm quan trọng của việc này, từ 10 năm trước Chính phủ có chủ trương, và ngày 5-5-1994 Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) có Công văn số 152/TCCP-CV hướng dẫn làm phiếu, thẻ công chức và đeo thẻ công chức. Lúc đó, Bình Định cũng đã triển khai thực hiện việc làm, đeo thẻ công chức khá rầm rộ, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì gần như chẳng còn cơ quan, công sở nào thực hiện nữa.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng có 2 nguyên nhân chính: Một là, còn thiếu sự quan tâm, chưa coi trọng đúng mức việc cấp thẻ của cơ quan có thẩm quyền, trong đó gồm cả cơ quan có trách nhiệm cấp thẻ và cơ quan phối hợp việc cấp thẻ. Hai là, việc chưa thực hiện nghiêm việc đeo thẻ công chức ở công sở phần lớn là do sự thiếu ý thức của một số cán bộ, công chức và đặc biệt là thủ trưởng các cơ quan khi không nhắc nhở và xử lý cán bộ, công chức không đeo thẻ.
Việc không đeo thẻ công chức là một trong những kẽ hở để cho một số cán bộ, công chức tha hóa biến chất lợi dụng sách nhiễu, gây phiền hà cho công dân, tổ chức khi thực hiện công vụ. Nó còn làm nảy sinh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm do đương sự khi tiếp xúc với người thi hành công vụ không xác định chính xác đã làm việc với ai trước đó dẫn đến tranh cãi, đổ lỗi cho nhau giữa những người thực hiện nhiệm vụ trong cùng một cơ quan đơn vị.
Do vậy, nếu chúng ta làm tốt việc cấp thẻ và đeo thẻ công chức sẽ tạo ra cơ chế giám sát lẫn nhau giữa những người thực hiện công quyền và công dân, tổ chức, góp phần chống các tiêu cực phát sinh tiến tới làm lành mạnh nền hành chính của đất nước.
. Phạm Văn Chung |