|
Đàn bò lai hướng sữa của anh Nguyễn Thanh Tùng (thôn Vĩnh Thành, Cát Tài) vì phối với giống bò cỏ địa phương nên không hiệu quả |
Đến nay, đàn bò sữa của huyện có tổng cộng 441 con, trong đó có 127 con bò sữa thuần. Số bò này đang phát huy hiệu quả tốt. Tuy nhiên, phát triển đàn bò sữa theo hướng này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nông dân không thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, khả năng thích nghi với môi trường địa phương của bò sữa thuần khá kém, nên tỉ lệ rủi ro cao. Vì vậy, Phù Cát đã tập trung phát triển đàn bò sữa theo hướng lai tạo.
Quy trình được đưa ra là chọn bò cái nền lai F1 để phối giống bò sữa, tạo con lai hướng sữa F1. Sau đó, từ bò F1 tiếp tục phối giống bò sữa để tạo con lai sữa F2, F3. Thực hiện theo hướng này đòi hỏi thời gian dài nhưng dễ áp dụng, vì không phải đầu tư vốn nhiều mà vẫn có bò lai hướng sữa, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, dễ chăm sóc.
Không có điều gì đáng nói nếu như ở các địa phương thực hiện đúng quy trình lai tạo nói trên. Thế nhưng trong thực tế đã có không ít trường hợp lai tạo theo kiểu đốt cháy giai đoạn, không đảm bảo yêu cầu. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, từ năm 2001 đến tháng 9-2004, nông dân trong huyện đã phối giống bò lai hướng sữa cho 1.398 con bò cái nền, và có khoảng 314 con bê lai hướng sữa ra đời.
Xã Cát Hanh là địa phương có số lượng bò được phối giống lai hướng sữa nhiều nhất huyện (479 con). Tuy nhiên, toàn xã hiện chỉ có khoảng 70 con bò lai hướng sữa. Trong đó có 7 con đã được Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi tỉnh kiểm tra, bấm tai đeo số (chỉ có 2 con được lai tạo trên nền bò lai F1, còn lại là nền bò vàng địa phương). Nói về nguyên nhân của việc lai tạo đạt kết quả thấp, ông Huỳnh Thu Công - Chủ tịch UBND xã Cát Hanh - cho biết: "Do đội ngũ dẫn tinh viên không nắm chắc thời gian để phối giống nên kết quả không cao. Hơn nữa, số bò được phối giống trên nền bò lai thì ít, mà trên nền bò cỏ thì nhiều, do đó chất lượng bò lai sữa không đảm bảo".
Việc lai tạo bò sữa trên nền giống bò cỏ tạo ra những chú bê trong 4 tháng đầu có ngoại hình giống hệt với con lai từ bò cái nền lai F1 với bò sữa, nhưng sau đó bò càng lớn càng giống bò địa phương. Loại bò này về sau cho rất ít sữa, có con chỉ đủ cho bê bú. Đã lai với bò sữa nên loại bò này cũng chả cày bừa, kéo xe được, để lấy thịt thì năng suất thấp do tầm vóc nhỏ.
Vì sao có tình trạng lai tạo không đúng phương pháp như đã nêu trên? Trước hết, phải nói rằng đội ngũ dẫn tinh viên ở huyện chưa nắm chắc yêu cầu lai tạo bò hướng sữa. Bên cạnh đó, một số trường hợp vì chạy theo tiền công, nên họ đã làm một cách tùy tiện, phối giống tràn lan mà không có sự chọn lựa bò nền, và cũng không hướng dẫn giải thích cho nông dân. Trong khi người nông dân do không am hiểu về quy trình lai tạo, thiếu kiến thức về chăn nuôi bò sữa, cứ tưởng cứ có tinh bò sữa là sẽ dễ dàng có con bò sữa. Đã vậy khi cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi tỉnh về kiểm tra, cũng không chấn chỉnh việc làm của dẫn tinh viên, mà còn bấm tai đeo số xác nhận cho không ít con bò sữa dỏm này.
Ai cũng biết, nguồn giống là yếu tố quan trọng góp phần tăng năng suất cho vật nuôi. Do vậy, để đàn bò sữa phát triển một cách vững chắc, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh việc phổ biến kỹ thuật cho nông dân, quy hoạch vùng nuôi tập trung, thì công tác lai tạo giống phải đặt lên hàng đầu. Việc làm này đòi hỏi ở các ngành liên quan phải làm việc nghiêm túc, trung thực để tránh thiệt hại lâu dài cho nông dân.
. Hoài Trung