Bàn về vấn đề làm gì để góp sức giúp Bình Định phát triển nhân lực, những người giàu tâm huyết thường kiến nghị UBND tỉnh nên quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác phát triển nhân lực, hỗ trợ cho nhân tài.
Đầu tư cho nhân lực - nhân tài là chuyện được Nhà nước quan tâm, xã hội đồng tình nhưng vì sao sau nhiều lần đề xuất, nhiều lần tỉnh tổ chức trao chế độ hỗ trợ mà ai cũng có cảm giác chưa đủ, chưa đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu.
Lâu nay có cái nếp, hễ nghĩ đến, nói đến chuyện đầu tư cho nhân lực nhân tài, hầu như ai cũng quy luôn trách nhiệm người phải làm chuyện này là Nhà nước (cụ thể là UBND tỉnh). Lâu dần rồi ai cũng thấy ấy là chuyện đương nhiên. Cách đây chừng mươi năm, một nhóm cựu sinh viên Đại học Bách khoa-Kinh tế Đà Nẵng là người Bình Định nảy ra ý tưởng thành lập một quỹ hỗ trợ sinh viên Bình Định đang học tại các trường này. Họ đã bàn khá kỹ vấn đề này theo hướng cựu sinh viên có khả năng sẽ cùng nhau đóng góp để giúp đỡ tân sinh viên đồng môn - đồng hương. Ý tưởng độc đáo này chưa kịp triển khai thì trong những người chủ xướng quỹ, kẻ thì xuất cảnh, người thì vướng chuyện làm ăn thất bát nên cái dự án đẹp ấy trôi vào quên lãng. Thật ra những quỹ hỗ trợ không vụ lợi nhằm giúp đỡ sinh viên như vậy không phải là chuyện mới. Ở nhiều nước phát triển, hầu như trường đại học nào cũng có các quỹ này và họ nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ phía nhà trường, chính quyền địa phương. Hiểu cách của chúng ta đó là một dạng xã hội hóa công tác giáo dục. Không chỉ hỗ trợ tiền bạc, các quỹ này còn hướng tới những dự án nghiên cứu của sinh viên và phát triển nó.
Quay lại với vấn đề đầu tư nhân lực-nhân tài. Cho đến nay ở Bình Định, nhà tài trợ lớn vẫn là UBND tỉnh, Hội Khuyến học (với tiềm lực còn rất hạn chế). Tạo hành lang và kêu gọi xây dựng những quỹ học bổng có định hướng hẹp (theo ngành nghề, theo địa phương…) là chuyện rất đáng được xem xét thêm.
. Đông A |