Mặc dù đã có nhiều chỉ thị, thông tư nghiêm cấm, dư luận xã hội phê phán, nhưng cho đến hôm nay, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn đang tiếp diễn khá phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau.
Công bằng mà xét, sở dĩ tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn cứ tồn tại như là một quy luật tự nhiên là do tính tích cực của nó. Một số dư luận cho rằng, có học sinh yếu kém là phải có dạy thêm, học thêm. Đây là một hình thức giáo dục ngoại khóa đặc biệt rất thiết thực, rất hiệu quả góp phần vào việc nâng cao chất lượng học tập. Tính tích cực này được thể hiện qua các lớp dạy thêm của đa số thầy cô giáo có năng lực chuyên môn, có lương tâm nghề nghiệp. Lớp dạy thêm này chỉ tập trung toàn học sinh trung bình trở xuống, chủ yếu là bồi dưỡng cho các em cá biệt bị rỗng kiến thức cơ bản, cung cấp phương pháp học tập, giúp các em theo kịp chương trình với các bạn cùng lớp.
Bên cạnh tính tích cực của việc dạy thêm, học thêm là tính tiêu cực hiện đang bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Tình trạng giáo viên dùng đủ mánh khóe kể cả hù dọa để lôi kéo học sinh về dạy tại nhà, chủ yếu là dạy trước chương trình chính khóa, mớm trước đáp án các bài kiểm tra nhằm tạo ra chất lượng ảo, vừa đánh lừa phụ huynh vừa lấy đó làm thành tích thi đua. Đó là chưa nói đến số giáo viên dạy lơ là chiếu lệ trong chính khóa lại rất nhiệt tình, tích cực tại các lớp ngoài giờ, gây hoang mang trong phụ huynh học sinh. Ngoài ra còn có một số giáo viên lôi kéo, rủ rê cả những học sinh khá giỏi về nhà dạy thêm. Hiện tượng này không những tạo ra làn sóng ganh đua học tập không lành mạnh mà còn làm hạn chế quá trình phát triển trí tuệ và thể chất của học sinh do bị nhồi nhét kiến thức quá tải. Đây là những biểu hiện tiêu cực của một số giáo viên rất đáng phê phán.
Theo quy luật tồn tại, chúng ta không thể triệt tiêu mặt này để phát huy mặt kia. Vì vậy, ngành giáo dục địa phương cần phải có biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tối đa mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực trong việc dạy thêm. Phụ huynh có con em khá giỏi trở lên phải định hướng cho con mình tự học tại nhà, hạn chế việc học thêm không cần thiết.
Dạy học là một nghề cao quý, xưa nay được xã hội tôn vinh. Vì vậy, mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng. Không nên vì đồng tiền mà gây ô nhiễm môi trường giáo dục, đánh mất niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp trồng người.
Năm học 2004-2005 là năm học đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, ngành giáo dục đào tạo cần phải củng cố, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm nhằm phát huy tính tích cực, hạn chế tối đa mặt tiêu cực để dư luận xã hội đồng tình chấp nhận như là một hình thức giáo dục ngoại khóa đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng học tập.
. Trần Quang Lộc |