Ngoài những tiêu chí để xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa như: không có tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế… thì công tác bảo vệ môi trường sinh thái trong giai đoạn hiện nay càng trở nên quan trọng hơn khi đánh giá một cộng đồng văn hóa. Bởi môi trường sinh thái ngày càng có liên quan mật thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi thành viên trong cộng đồng.
Nhưng điều đáng quan tâm là ý thức và trình độ dân trí, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn thấp. Với những thói quen tùy tiện, tập tục lạc hậu trong sinh hoạt hàng ngày ở mỗi gia đình hoặc nơi công cộng như vứt rác, đổ chất thải, nước thải ra sông, biển, ao, hồ gây ô nhiễm tại các cộng đồng dân cư tỉnh ta còn rất phổ biến. Bên cạnh đó, trong xây dựng nhà ở, nhà máy và kể cả các khu công nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh cũng chưa thật sự coi trọng việc thu gom, xử lý rác thải và nước thải khi thải vào môi trường tự nhiên.
Giữ gìn môi trường sống trong sạch, lành mạnh để cuộc sống ổn định, an toàn trước hết tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Có thể nói, hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường chính là thước đo tính văn hóa trong cộng đồng dân cư. Để làm được điều này cần đưa các quy định bảo vệ môi trường vào các bản hương ước, quy ước thôn, khối phố, làng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật môi trường, và đề ra những quy định thưởng, phạt nghiêm khắc nhưng phải phù hợp pháp luật; nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm đối với từng người dân trong cộng đồng văn hóa, nhất là coi bảo vệ môi trường là đạo đức, nếp sống văn hóa cần đưa vào tiêu chí khu dân cư và gia đình văn hóa để đánh giá hàng năm.
Có làm như vậy mới xây dựng môi trường trong cộng đồng văn hóa xanh, sạch, đẹp và bền vững lâu dài trong cộng đồng dân cư.
. Thanh Thảo |