Đọc bài viết "Từ trường chuyên lớp chọn ở Paris…" của Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng (báo Thanh Niên số 18-11-2004) tôi chợt chạnh lòng khi nghĩ về chủ trương thu tiền "trái tuyến" đang được thực hiện (năm thứ hai) ở TP Quy Nhơn.
Tuy có những điều kiện tốt nhất về nhân lực, tài chính và văn hóa, song tỷ lệ đậu tú tài ở Paris lại thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Thanh tra giáo dục của nước Pháp đã vào cuộc để tìm lời giải thích cho hiện tượng này và phát hiện ra rằng: Trong mọi cấp bậc học, những học sinh (HS) giỏi nhất luôn được chăm sóc tốt nhất, do vậy số giỏi càng giỏi hơn, trong khi "nhà trường không biết cách làm cho số không giỏi tiến bộ lên". Sau khi phân tích, dẫn chứng về quá trình phân hóa HS qua chương trình đào tạo, phân hóa giáo viên và những điều kiện học tập khác… dẫn đến tình trạng HS giỏi ngày càng có điều kiện để thành công, trong khi đối tượng HS yếu hơn thì phải gánh chịu hậu quả ngược lại…Tác giả kết luận: Nền giáo dục ở Paris được thiết kế cho HS giỏi, số không giỏi cứ phải tự xoay sở lấy!
Với chủ trương thu tiền "trái tuyến" đang có chiều hướng lan rộng trong các trường học, TP Quy Nhơn đã huy động được một nguồn kinh phí khá lớn trong đối tượng phụ huynh HS có "điều kiện" để phát triển giáo dục. Nhưng rồi, lợi có… bất cập hại khi nền GD thành phố sẽ phải đối mặt với xu hướng những giáo dục có "điều kiện" sẽ tập trung về những trường tốt hơn. Những trường tốt lại càng thêm tốt và càng thu hút, hấp dẫn những HS có điều kiện. Và hệ quả kéo theo, giáo viên giỏi rồi sẽ "chảy về chỗ trũng" và sự phân hóa về "đẳng cấp", chất lượng GD-ĐT giữa các trường sẽ xảy ra… Liệu lúc đó, nền giáo dục bình đẳng về cơ hội cho mọi trẻ em có thực hiện được?
. Minh Ngọc |