Ô nhiễm môi trường đã đóng dấu sự hiện diện của nó lên chính gương mặt của chúng ta bằng chiếc khăn che bụi mỗi khi ra đường. Ở một thành phố duyên hải như Quy Nhơn, chúng ta lại bỏ quên một đối tượng quan trọng, một tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm - cát ở lòng đường.
Ai cũng thấy rất rõ rằng lòng đường ở Quy Nhơn hiện có rất nhiều cát đất. Tình trạng này không chừa bất cứ đường phố nào cho dù đó có là con đường được chăm sóc khá kỹ như Trần Phú, Lê Hồng Phong… Đất cát đọng ở lòng đường nay đã nhiều đến nỗi không còn cần gió lớn, bụi cát cũng đã có thể bay mù mịt vào mắt người đi đường. Thậm chí ở một số đường phố như Mai Xuân Thưởng, Phạm Hùng cây cỏ đã mọc lên um tùm ngay trên vỉa hè. Do không được dọn dẹp thường xuyên nên lớp cát đã dày lên và hiện tượng này nay gây ô nhiễm trầm trọng và đã đến lúc cần được xử lý một cách nghiêm túc. Điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là trên thực tế thành phố chúng ta vẫn có cơ quan chuyên trách việc dọn rác, cát và làm sạch lòng, lề đường, đó là Công ty Môi trường đô thị, Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ. Tuy nhiên dù đã được nêu đi nêu lại nhiều lần đường phố của chúng ta vẫn chưa sạch, dường như ngay cả lãnh đạo TP Quy Nhơn cũng bất lực trước khổ nạn này. Có lẽ vì thế mà ngay cả những con đường được thường xuyên chăm sóc thì nhiều lắm mỗi năm cũng chỉ được quét cát chừng 5-7 lần là tối đa (Trần Phú, Lê Hồng Phong...).
Ở An Nhơn, Tây Sơn, Hoài Nhơn nhờ xã hội hóa công tác thu gom rác thải sinh hoạt môi trường vệ sinh khu vực thị trấn đã được cải thiện rõ rệt. Người dân đã sẵn sàng trả một mức phí nào đó để có được những con đường, những khu phố sạch. Vậy thì ở Quy Nhơn có thể triển khai một chính sách tương tự để làm sạch cát ở lòng đường được không? Chúng tôi nghĩ là được.
Rõ ràng khi xây dựng mức phí vệ sinh đô thị, cơ quan có chức năng đã tính đủ cả việc thu gom rác thải và quét dọn khu vực đường phố trước nhà của mỗi công dân (có vậy thì mức phí của nhà ở trong hẻm mới rẻ hơn nhà mặt phố chứ) và phần lòng đường, khu vực công cộng do ngân sách chi. Như vậy việc xây dựng mức phí hoặc là đã chưa tính đủ hoặc là các công ty chịu trách nhiệm giữ gìn vệ sinh đô thị đã làm chưa tròn nhiệm vụ. Nếu chưa tính đủ, hãy tính đủ; còn nếu không khắc phục được hiện tượng thiếu trách nhiệm hãy xã hội hóa để cạnh tranh lành mạnh diễn ra. Khi ấy nếu anh không làm tốt, tự khắc anh sẽ bị đào thải. Thành phố khi ấy chắc chắn sẽ sạch hơn.
. Đông A |