Trẻ ở lứa tuổi cắp sách đến trường thường ham chơi, ít tự giác trong học tập. Vậy làm thế nào để các em hăng say học tập? Đó là điều quan tâm trăn trở của nhiều bậc phụ huynh.
Trước tiên cần tạo cho các em sự thoải mái, tự tin khi bước vào bàn học cũng như khi đến lớp. Không nên gò ép và càng không nên tạo một áp lực như lúc nào cũng luôn nhắc nhở đến chuyện học, khiến các em cảm thấy mệt mỏi và xem việc học như một việc làm miễn cưỡng. Mà đã là việc làm miễn cưỡng thì chính các em sẽ cảm thấy nặng nề mỗi khi bố mẹ nhắc đến chuyện học hành của mình. Điều cần làm là thường xuyên khuyến khích, động viên các em.
Tâm lý của trẻ là lúc nào chúng cũng muốn bố mẹ quan tâm đến mình và nếu nhận được những lời động viên đúng lúc chắc chắn chúng sẽ cảm thấy phấn khởi và có hứng thú trong việc học, từ đấy chúng sẽ có tinh thần sảng khoái hơn và tiếp thu bài tốt hơn.
Nếu các em gặp khó khăn về một môn học đòi hỏi năng khiếu nào đó (như mỹ thuật hay hát đối với bậc tiểu học chẳng hạn), chúng ta nên hướng dẫn cho các em cách giải quyết một cách bình tĩnh và tự tin bởi không có việc gì khó đến mức không thể có cách giải quyết tối ưu.
Có thể chúng ta tự làm thử rồi hướng dẫn lại cho các em hoặc cũng có thể các bậc phụ huynh nhờ ai đó am hiểu về các môn này giảng giải cho các em theo kiểu học mà chơi, chơi mà học, tạo cho các em hứng thú hơn trong học tập và giúp các em xóa bỏ được mặc cảm tự ti vì đôi khi các em cho rằng mình là người vô dụng, không thể đem lại những điểm tốt như bố mẹ hằng mong đợi.
Mặt khác, chúng ta không nên dồn ép các em học một cách cứng nhắc nếu sức khỏe các em có vấn đề. Bởi lúc mệt mỏi là lúc khó tiếp thu bài nhất. Và nếu có tiếp thu thì các em cũng phải trải qua những giờ phút căng thẳng, đôi khi gây nên nhưng cơn stress không đáng có. Điều này lại càng có hại cho sức khỏe của các em hơn mà sức khỏe là một trong những điểm mấu chốt quyết định đến kết quả học tập.
Nếu phải dừng việc học để các em có một giấc ngủ cần thiết, thoải mái để rồi sau đó sẽ tiếp thu bài một cách tốt hơn thì các phụ huynh cũng không nên ngần ngại.
Một điểm cần lưu ý khác là chúng ta phải thường xuyên quan sát những biểu hiện về mặt tâm lý của con em mình để kịp thời uốn nắn những biểu hiện không tốt của các em. Chúng ta phải thực sự là một người bạn gần gũi của các em, sẵn sàng đồng cảm, sẻ chia mọi trở ngại của các em và giải tỏa nỗi lo âu của các em đúng lúc nhất, kịp thời nhất để thực sự trở thành người đồng hành cùng các em trong suốt những tháng năm của tuổi học trò.
Với thầy-cô giáo, phải cố gắng biến bài giảng của mình thành những điều kỳ diệu, có sức lôi cuốn các em, khơi gợi cho các em hứng thú cũng như phát huy những suy nghĩ độc lập, những đề xuất thông minh để giúp các em đến gần hơn với những kho tàng kiến thức vô giá của nhân loại.
Kết hợp chặt chẽ với thầy-cô ở trường để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn của các em xảy ra với bạn bè, thầy-cô là một cách làm hay của các bậc cha mẹ. Làm được điều đó sẽ giúp các em luôn có được sự thoải mái, tự tin trong học tập.
. Hoàng Mai |