Trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), việc quan trọng nhất là thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra để phát huy vai trò giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội đến hoạt động của chính quyền xã.
Theo Nghị định 79/CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ, có 11 việc được nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra. Tuy nhiên, để nhân dân giám sát, kiểm tra cho đúng người, đúng việc thì cần phải áp dụng các phương thức giám sát, kiểm tra phù hợp với từng công việc. Thường 11 việc nhân dân giám sát, kiểm tra đều được chính quyền cơ sở báo cáo công khai qua các cuộc họp, qua niêm yết, thông báo, qua hệ thống truyền thanh, nhưng cũng có những việc phải được công khai định kỳ hoặc công khai ngay để kịp thời đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Những việc như: kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND và quyết định, chỉ thị của UBND xã; dự toán và quyết toán ngân sách xã; hoạt động và phẩm chất đạo đức của cán bộ chính quyền xã; việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội thường được công khai báo cáo định kỳ để nhân dân giám sát, kiểm tra.
Đối với những việc như giải quyết khiếu nại, tố cáo; thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp của nhân dân; quá trình tổ chức thực hiện, kết quả nghiệm thu và quyết toán các công trình, chương trình, dự án do nhân dân đóng góp hoặc do Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ trực tiếp cho xã; các công trình của cấp trên triển khai trên địa bàn xã; quản lý và sử dụng đất đai tại xã nên báo cáo thường xuyên, kịp thời theo thời điểm thích hợp để nhân dân dễ dàng giám sát, kiểm tra.
Nhân dân ở các địa phương tùy theo vị trí vai trò của mình hãy tham gia trực tiếp, nếu được mời hay thông qua các tổ chức đại diện để góp ý kiến trong các cuộc họp của chính quyền xã, nhất là họp sơ kết, tổng kết công tác 6 tháng và cuối năm. Hãy tranh thủ tham gia các cuộc hội họp và theo dõi, học tập thường xuyên để nắm bắt và thông suốt các chủ trương, chính sách của xã và để góp phần giám sát, kiểm tra theo đúng các phương thức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Điều quan trọng là qua giám sát, kiểm tra nếu phát hiện tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sách nhiễu quần chúng và những việc làm trái pháp luật khác, nhân dân phải kịp thời báo cáo, kiến nghị, thậm chí tố cáo để chính quyền cấp trên giải quyết, xử lý, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.
. Văn Hồng |