Xã Cát Thành (Phù Cát) có 4.215ha rừng tự nhiên, trong đó có 500ha rừng đầu nguồn thuộc lòng hồ Chánh Hùng và 66ha rừng dương phòng hộ ven biển, có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước, phòng hộ, chắn cát bay, ngăn chặn sự xâm thực biển, bảo vệ hàng trăm ha đất canh tác của địa phương. Nhưng hiện nay rừng Cát Thành đang bị suy kiệt.
|
Củi lấy trong rừng dương ra |
Ông Thái Xưởng - Chủ tịch UBND xã Cát Thành - cho biết: Rừng đầu nguồn cũng như rừng dương nằm tiếp giáp các khu vực dân cư có "đường thông ngõ tắt" với nhiều địa phương khác nên rất khó quản lý. Trong khi đó diện tích rừng khá lớn nhưng chỉ giao khoán cho ít hộ quản lý (66ha rừng dương ven biển chỉ giao cho 3 hộ, 500ha rừng đầu nguồn chỉ giao cho 14 hộ, như vậy trung bình mỗi hộ phải quản lý từ 28-32ha, riêng rừng tự nhiên chưa giao khoán hộ quản lý. Vì thế nạn phá rừng xảy ra là điều không tránh khỏi.
Đến Cát Thành chúng ta dễ dàng bắt gặp những người vào rừng chặt củi, đốt than. Trong gia đình thường thì chồng chặt cây, đốt than, vợ tham gia cảnh giới. Việc chặt cây đốt than ở đây được "chuyên môn hóa" theo từng công đoạn. Anh Trương Công Định - người được giao quản lý 29ha rừng đầu nguồn cho biết: "Tôi được Nhà nước giao 29ha rừng đầu nguồn, khu vực quản lý rất là rộng, trong khi lâm tặc đông. Khi vào chặt cây, bọn chúng chia làm 3 nhóm: một nhóm chuyên khai thác gỗ, một nhóm vận chuyển ra khỏi rừng, một nhóm mang gỗ đi bán. Ban đêm chúng cũng vào chặt cây nên khâu quản lý rất khó khăn". Đó là rừng đầu nguồn, còn rừng dương thì anh Mai Xuân Long, một trong 3 hộ nhận quản lý 66ha rừng dương, cho biết: "Tôi thấy nhiều lúc nóng ruột, trước khi chúng tôi ra nhận rừng dương này thì một phần ba rừng đã bị chặt phá. Hiện nay, nhiều người vẫn lén lút vào rừng chặt phá. Người phá rừng thì rất nhiều, trong khi chúng tôi chỉ có 3 người quản lý nên không xuể. Bọn phá rừng cứ lợi dụng lúc chúng tôi bận công việc gì khác là lại lén lút vào rừng chặt phá".
Hơn 1 năm qua, các lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện 7 trường hợp phá rừng, thu giữ gần 200kg than hầm, xử phạt hành chính 4 trường hợp, đưa ra kiểm điểm trước dân 2 đối tượng, tịch thu nhiều phương tiện như cưa, rựa… Tuy nhiên, những trường hợp phá rừng bị phát hiện còn rất ít so với nạn phá rừng ở đây. Bọn lâm tặc ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, nếu như trước đây, bọn chúng thường tổ chức chặt gỗ và đốt than ngay tại rừng thì hiện nay chúng thường chặt gỗ vào ban đêm, sau khi đốn, cây được cắt thành đoạn đưa về nhà cất giấu. Việc đốt than cũng được thực hiện vào ban đêm và vận chuyển than đi tiêu thụ lúc tờ mờ sáng.
Trước nạn chảy máu rừng như hiện nay ở xã Cát Thành, ông Thái Xưởng, Chủ tịch UBND xã cho rằng biện pháp tốt nhất là thực hiện triệt để chủ trương giao khoán rừng cho các hộ quản lý, phải bảo đảm rừng có chủ, đồng thời tích cực tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho nhân dân. Tuy nhiên, theo chúng tôi các giải pháp này vẫn chưa đủ nếu như chính quyền, các đoàn thể địa phương và nhất là lực lượng kiểm lâm chưa thật sự xắn tay vào cuộc để bảo vệ rừng.
. Văn Thý
|