Mặc dù đã có Luật Đất đai, Luật Xây dựng, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, các cơ quan chức năng đã thực thi nhiều biện pháp cưỡng chế tháo dỡ, nhưng tình trạng lấn chiếm đất công xây nhà trái phép, xây dựng không theo quy hoạch vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng phức tạp, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng, nhất là ở những địa phương có các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Vì sao có tình trạng nêu trên? Các nhà phân tích cho rằng có mấy nguyên nhân:
Thứ nhất, ý thức chấp hành luật pháp của một số người còn quá kém, họ coi lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình là trên hết, trước hết, bất kể sự phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng.
Thứ hai, việc xử lý của các cơ quan chức năng đối với các trường hợp vi phạm không kịp thời, không kiên quyết, không triệt để, chưa đủ mạnh để ngăn chặn tái diễn. Trưởng thôn, trưởng khu phố có điều kiện phát hiện kịp thời các hành vi lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép nhưng lại không có quyền xử lý mà phải báo cáo lên Ủy ban nhân dân xã, phường và chính quyền cơ sở cũng không có quyền buộc người vi phạm phải tháo dỡ mà phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp và phải chờ bàn bạc tập thể, thỉnh thị cấp trên… quy trình kéo dài vài ba tháng, tạo điều kiện cho những kẻ coi thường kỷ cương phép nước có thời gian xây dựng kiên cố hơn.
Thứ ba, chính sách đền bù còn nhiều bất cập, việc thực thi chính sách lại thiếu dân chủ, thiếu công bằng, không công khai, minh bạch. Có người lấn chiếm đất công, lấn chiếm lề đường xây nhà trái phép, sử dụng đất công không có giấy tờ hợp pháp, nhưng khi giải tỏa, đền bù, họ cũng được hưởng lợi ích ngang bằng những người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở.
Thứ tư, việc thi công các công trình quá chậm trễ, kéo dài, có công trình sau hai, ba năm giải tỏa, đền bù vẫn còn nằm trên giấy. Thấy Nhà nước bỏ đất trống không ai quản lý, một số người đã tự tiện xây nhà tạm để buôn bán, kinh doanh, rồi từ tạm dần dần trở thành kiên cố. Họ bảo rằng cứ làm đại, đến khi giải tỏa đền bù lần nữa lại dùng thủ thuật ù lì để được nhận thêm hàng chục triệu đồng…
Để khắc phục tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, chúng tôi kiến nghị:
1- Phân cấp trách nhiệm, quyền hạn thực thi cưỡng chế tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép. Nên chăng giao cho chính quyền cơ sở được quyền cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà xây tạm hay mới khởi công xây dựng trái phép, vì nếu chờ Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giải quyết thì sẽ kéo dài một vài tháng, tình hình càng trở nên phức tạp.
2- Quy định thời hạn xử lý vi phạm như từ khi trưởng thôn, trưởng khu phố báo cáo lên cấp trên trực tiếp các vụ việc lấn chiếm đất công xây dựng trái phép chậm nhất trong thời hạn bao nhiêu ngày thì cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, vì nếu để kéo dài như lâu nay thì việc cưỡng chế tháo dỡ sẽ khó khăn, phức tạp hơn.
3- Phải thật mạnh tay thực hiện cưỡng chế tháo dỡ theo đúng pháp luật, kiên quyết không khoan nhượng đối với những kẻ ngoan cố, ù lì, coi thường luật pháp. Nên chăng tiến hành truy tố trước pháp luật đối với những vi phạm nghiêm trọng, lấy đó làm bài học giáo dục răn đe những kẻ coi thường luật pháp.
4- Sau khi tiến hành đầy đủ, đúng pháp luật các thủ tục đền bù giải tỏa, tiến hành ngay việc san ủi mặt bằng, giao đất trống cho chủ đầu tư trực tiếp quản lý, không nên để vô chủ như một số trường hợp trước đây.
. Nguyễn Công Hoàng |