Ở Bình Định, có nhiều làng nghề làm nem chả, nước mắm, bánh tráng, bánh hỏi… Người tiêu dùng theo thói quen cứ mua dùng dù vấn đề vệ sinh thực phẩm của các sản phẩm này còn nhiều điều đáng quan tâm.
Trước hết là nem chả, lâu nay người ta nói nhiều đến chất phụ gia hàn the mà người chế biến dùng để tăng độ dai, giòn, bảo quản lâu ngày cho sản phẩm, đã đến hồi đáng báo động. Hầu như các loại nem, chả (chả cá, chả lụa, chả thủ…) đều có dùng phụ gia này. Tệ hại hơn là loại chả cá họ còn lén lút dùng loại cá nóc để chế biến. Một số loại thực phẩm khác cũng dùng phụ gia hàn the như bánh cuốn, bánh su sê. Có thể nói gần 100% những loại bánh này có hàn the!
Một số nhà chế biến lạp xưởng đã tiêu thụ loại thịt heo chết vì dịch bệnh. Tôi có người quen ở quê, con heo đã đến ngày xuất chuồng thì thình lình bị bệnh chết. Thế là họ chuyển đến cơ sở sản xuất lạp xưởng để tiêu thụ. Dĩ nhiên giá cả chỉ bằng 1/4 giá thịt heo bình thường.
Một loại thực phẩm khác không được vệ sinh mà người chế biến không có chủ tâm thực hiện. Đó là bánh tráng. Nghề làm bánh tráng có thể nói hầu như làng quê nào cũng sản xuất. Hộ ít mỗi ngày dùng từ 10-20 kg gạo. Hộ nhiều lên tới 50-60 kg gạo. Điều dễ nhận thấy bánh tráng được phơi nắng vô tư trên các trục lộ giao thông, bên mé đường, trên nóc chuồng heo… Bánh tráng vừa tráng xong còn ướt, khi một chiếc xe chạy qua, bụi tung lên và bám đầy trên bánh tráng. Ngoài ra còn ruồi nhặng bu đến mang theo bao mầm bệnh. Bánh tráng này có thể dùng để nướng, nhưng cũng có thể nhúng ướt để cuốn. Như vậy, số bụi bặm đó, số vi khuẩn do ruồi nhặng mang đến với nhiều mầm bệnh nguy hiểm, cứ thản nhiên chui vào cơ thể người dùng! Một chủ hộ làm bánh tráng ở thôn Nước Mặn, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) nói là họ vẫn biết phơi bánh như vậy là mất vệ sinh, nhưng vì mặt bằng thiếu nên không biết phơi chỗ nào!
Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các làng nghề để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và của chính các làng nghề.
. Quang Hùng |