Đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn của tỉnh Bình Định đều có tủ sách pháp luật. Bình quân mỗi tủ sách có trên 120 đầu sách, gồm sách, báo pháp luật thống nhất đồng bộ, phù hợp với mọi đối tượng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của nhân dân. Hình thức khai thác chủ yếu là đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà.
Qua 5 năm xây dựng, quản lý và khai thác, đã khẳng định dự án xây dựng tủ sách pháp luật đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân các địa phương. Đồng thời tủ sách còn là công cụ quan trọng chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhân dân.
Tuy nhiên, việc quản lý tủ sách pháp luật hiện còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Trước hết là việc đặt tủ sách ở địa điểm còn chưa phù hợp. Đa số được đặt tại phòng làm việc của ban tư pháp hoặc văn phòng UBND xã. Vị trí này thực tế đã gây tâm lý e ngại đối với người dân cần đọc sách vì phải bước chân vào "chốn công đường", do vậy số lượng người đến đọc rất ít. Khâu quản lý ở một số xã còn lỏng lẻo, nhiều nơi sách bị mất khá nhiều, nhiều nơi sách bị hư hỏng, bị cắt xé. Nhiều địa phương trong suốt cả nửa năm qua chưa hề được bổ sung một đầu sách nào mới. Trong khi nhiều luật đã được bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế nhưng trong tủ sách đều là sách cũ, đã lạc hậu, gây khó khăn cho việc cập nhật kiến thức cho cán bộ lẫn người dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật chưa được hưởng một khoản thù lao nào theo như hướng dẫn tại quy chế xây dựng và quản lý tủ sách do Bộ Tư pháp ban hành. Tủ sách thường giao cho cán bộ tư pháp kiêm nhiệm trông coi, mà cán bộ tư pháp thường thay đổi, không ổn định dẫn đến việc quản lý không liên tục, để xảy ra tình trạng mất mát hư hỏng không biết quy trách nhiệm cho ai. Đồng thời, kinh phí để bổ sung sách cho tủ sách ở các địa phương còn rất hạn chế, nơi được cấp nhiều lắm mỗi tháng cũng chỉ đủ mua vài ba cuốn sách luật.
Để nâng cao hiệu quả tủ sách pháp luật đúng mục đích đề ra của ngành tư pháp, trong thời gian tới cần chấn chỉnh việc quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở các địa phương một cách chặt chẽ, phù hợp hơn, cố gắng tìm ra một mô hình khai thác có hiệu quả nhất. Quan trọng nhất là sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, tạo điều kiện cho tủ sách pháp luật phát huy hiệu quả bằng cách bố trí địa điểm thuận lợi, bố trí cán bộ chuyên trách và cấp kinh phí đầu tư cho hoạt động này.
. Lê Văn |