Ngồi trong quán giải khát với một vài người bạn, chúng tôi gọi mấy cốc "chanh-rum". Tất nhiên, chúng tôi có dặn chủ quán pha loại rượu Rum Sơn Hà - loại rượu rum "hợp gu" chúng tôi mà trên thị trường được mệnh danh là "Rượu Bà Chằng", có nguồn gốc sản xuất từ thời Pháp thuộc của cơ sở rượu mùi Dũng Sanh - Quy Nhơn.
Phát hiện mùi vị lạ trong cốc rượu, chúng tôi hỏi chủ quán: "Có đúng rượu Rum Sơn Hà không chị?" - "100% chính hãng đấy!". Ngần ngừ một lát, chị nói thêm: "Nhưng bây giờ nhiều loại Rum Sơn Hà lắm! Không tài nào phân biệt nổi. Đây các anh xem". Thế là tình cờ chúng tôi được xem một số chai rượu chị chủ quán đưa ra giới thiệu. Điều bất ngờ đối với những khách sành rượu như chúng tôi là có đến 6 loại vỏ chai "na ná" nhãn hiệu Rum Sơn Hà. Nào là Trường Hà, Bắc Hà, Xuân Hà, Hải Hà, Sông Hà, có 1 loại chai rượu 0,65 lít in trong nhãn người đàn bà da đen và ghi là rượu "Bà Chằng"!. Điểm giống nhau của các loại nhãn rượu này không chỉ ở chữ "Hà", mà từ kiểu chữ, dáng lôgô cho đến màu sắc… đều na ná họ hàng với Rum Sơn Hà. Nếu người tiêu dùng không nhầm lẫn với rượu Rum Sơn Hà gốc, thì cũng dễ dàng đồng tình với chị chủ quán rượu kia mà cho rằng nó là rượu Rum Sơn Hà loại 2! Phải chăng đây là lý do tồn tại và có xu thế phát triển của các loại rượu "ăn theo" một sản phẩm đã được đăng ký sở hữu công nghiệp hàng chục năm nay.
|
Từ chai rượu Rum Sơn Hà gốc (cuối bên phải) có đến 7 loại rượu rum "đồng dạng" xuất hiện trên thị trường hiện nay |
Chúng tôi liên tưởng đến vụ tranh chấp nhãn hiệu xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng từng được dư luận quan tâm là "Vang Đà Lạt" và "Vang Đỏ Đà Lạt". Việc giải quyết của các cơ quan chức năng vẫn chưa ngã ngũ, kéo dài, chưa biết "vang" nào thắng "vang" nào. Bởi lẽ hai cái tên hoàn toàn khác nhau, chi tiết hình vẽ trên nhãn khác nhau, nhưng kiểu dáng, màu sắc lại "na ná". Điều này tạo cho người tiêu dùng ít có cơ hội chọn lựa loại rượu mình cần mua, cho đến khi biết rằng chất lượng sản phẩm bên trong lại hoàn toàn khác nhau.
Từ liên tưởng trên đây đến thực tế thị trường rượu trên địa bàn Bình Định hiện nay, có điều rất lạ là các cơ quan có chức năng kiểm định, cấp giấy phép sản xuất rượu thực phẩm, hình như chỉ kiểm tra trên thủ tục giấy tờ! Đơn cử một ví dụ: cơ sở sản xuất rượu Rum Bắc Hà đóng tại tỉnh Hà Tây, còn Văn phòng đại diện tại 19 Mai Xuân Thưởng - Quy Nhơn, như trên nhãn rượu có ghi. Vậy khi kiểm tra cấp giấy phép sản xuất lại cấp cho địa chỉ: Văn phòng đại diện! - nơi không hề có một thiết bị sản xuất nào! Các yếu tố vệ sinh thực phẩm, môi trường sản xuất đều bị bỏ qua.
Rõ ràng việc buông lỏng quản lý sản xuất rượu mùi trên thị trường hiện nay, từ việc kiểm tra cấp giấy phép sản xuất cho đến việc xét xử những tranh chấp về nhãn hiệu còn nhiêu khê, không chỉ gây khó khăn thiệt thòi cho cơ sở sản xuất chân chính mà còn làm phương hại đến niềm tin của người tiêu dùng đối với các cơ quan có chức năng quản lý.
. Hoàng Oanh |