Anh bạn tôi, đang công tác tại một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, trong dịp ra Quy Nhơn làm công tác tuyển sinh đại học, khi đi dạo qua các tuyến đường đã phải thốt lên: "Quy Nhơn bây giờ nhà nhà mở quán nhậu, người người đi nhậu không thua kém gì ở Sài Gòn". Ăn nhậu đã và đang trở thành chuyện thường ngày và chẳng có gì để nói, song sau vị đắng, hơi cay của mỗi chai bia, ly rượu là rất nhiều điều đáng để suy ngẫm.
* Từ vỉa hè đến phố… nhậu
|
Một quán nhậu bình dân tại góc đường An Dương Vương (ảnh: Văn Lưu) |
Trước đây, khu vực ngã 3 Phú Tài khá im ắng. Nhưng từ khi hình thành Khu công nghiệp Phú Tài, tập trung hàng trăm nhà máy với hàng chục ngàn công nhân, thì nhà hàng, quán nhậu đua nhau xuất hiện. Quán nhậu không những mọc ngay trên Quốc lộ 1A, còn được hình thành ngay trong những con hẻm nhỏ. Có lẽ khu vực này tập trung nhiều cái "nhất" như: tập trung nhiều công nhân nhất, giá nhậu bình dân nhất, cho nợ nhiều nhất... và "thượng đế" tới đây cũng đa dạng nhất. Anh Lâm Văn Ân, ở thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước), công nhân của Công ty TNHH Mỹ Tài, cho biết: "Tan ca làm là anh em trong công ty "hợp tác xã" với nhau làm vài xị. Ngày nào anh em chúng tôi cũng gặp mặt ở quán nhậu bình dân sau giờ làm. Lai rai giải mỏi ấy mà".
Cùng với sự phát triển các quán nhậu vỉa hè, ở trung tâm TP Quy Nhơn cũng đã hình thành nhiều phố nhậu với quy mô "hoành tráng". Đó là quanh các tuyến đường khu chợ Đầm, đường Trần Độc, Phan Đình Phùng, Bạch Đằng, Đống Đa, Nguyễn Lữ nối dài... Chỉ riêng đoạn đường Phan Đình Phùng nằm giữa Hoàng Quốc Việt và Đống Đa dài hơn 100 mét đã có trên 10 quán nhậu hải sản tươi sống.
* 1.001 lý do nhậu
Dân nhậu thôi thì đủ cả. Từ các VIP đi trên những chiếc xe hơi bóng lộn cho tới anh công nhân trên những chiếc xe đạp cà tàng. Nhậu từ cá nhân đến nhậu tập thể. Người ta đi nhậu để tiếp khách, giao dịch làm ăn, liên hoan, sinh nhật, "rửa" xe mới, "rửa" điện thoại mới, mừng vừa thăng chức... nhưng cũng có người chỉ "ngồi đồng" để giết thời gian hoặc chỉ đơn thuần nhậu vì thói quen. Tóm lại, bất cứ ai đi nhậu cũng đều có lý do "chính đáng" riêng của mình.
|
Đông đảo người đến nhậu tại một quán nhậu vỉa hè (ảnh: Văn Lưu) |
Tùng, một thợ hồ, ở huyện Phù Cát, thì việc làm bạn với vài xị rượu mỗi tối thật đơn giản. Tùng tâm sự: "Mình xuống Quy Nhơn làm thợ hồ, đang phải ở nhà trọ chẳng có tivi để xem cũng chẳng có chương trình gì giải trí, thế là mỗi tối anh em ở cùng phòng trọ rủ nhau ra các quán nhậu vỉa hè làm vài xị rượu với một ít đồ nhấm cho dễ ngủ".
Còn đối với Văn Hùng, cán bộ trẻ của một sở, thì lại khác. Hùng hiện đang sống cùng gia đình tại TP. Quy Nhơn, ngoài giờ làm việc về nhà chẳng biết làm gì nên cứ chiều đến là anh ta cùng với những người làm chung sở ra "tạm trú" ở các quán nhậu nhiều hơn ở nhà. Tôi thắc mắc tại sao sau khi xong việc ở cơ quan mà không về nhà, Hùng chặc lưỡi: "Ối dào! Về nhà nghe bà già giáo huấn chuyện vợ con nghe có mà ớn tận cổ. Cứ ngồi ở quán cụng vài ly là hay nhất".
Có lẽ nhậu đã và đang trở thành một thứ thuốc chữa "bách bệnh": Vui - nhậu; buồn - nhậu; không vui, không buồn - cũng nhậu…
* Đằng sau của những cuộc nhậu
Cuộc nhậu thường bắt đầu từ lúc 5 giờ chiều và đông dần vào lúc tối, nhưng để một cuộc nhậu kết thúc thì không ai đoán được. Giới ăn nhậu không lạ lẫm gì thuật ngữ "tăng hai, tăng ba", chỉ có điều là cách hiểu và cách áp dụng thuật ngữ này sau mỗi chầu nhậu là khác nhau. Đối với giới trẻ chưa có gia đình thì họ sẽ "chọn": nhảy nhót, hát hò, quậy phá… Còn với những người đã có gia đình thì lại thích sự "êm ái" như đi uống trà, mát-xa thậm chí không ít quý ông "vượt rào" đi ăn vụng "trái cấm" dẫn đến xung đột, chia ly trong nhiều gia đình. Bên cạnh những người còn đủ "sức" lên đường tiếp tục làm "tăng hai, tăng ba" cũng có không ít các "đệ tử lưu linh" bị "ngài" nhập dẫn đến việc coi đường cũng như ruộng, cột điện, xe tải, xe ben như bàn nhậu, cứ gặp là "xơi"… và đã có không ít những cuộc "ra đi lặng lẽ" xảy ra.
Qua phân tích của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Bình Định), trong 36 vụ tai nạn giao thông trong tháng 7, thì có đến 96% là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Đặc biệt số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian từ 18 đến 24 giờ chiếm đến 47,2% số vụ tai nạn, trong đó 42,9% số người chết và 51,2% số người bị thương. Đây là khoảng thời gian "nhạy cảm", số đối tượng ăn nhậu xong điều khiển phương tiện không làm chủ tay lái. Điển hình trong số đó là vụ tai nạn giao thông xảy ra vào lúc 24 giờ ngày 12-7-2004 tại QL 1A, thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) giữa xe ô tô tải mang biển số 77 K-7795 do Phạm Tấn Lợi ở Cát Hanh (Phù Cát) điều khiển với xe mô tô 77S1-2726 trên xe chở 4 người, đã làm chết 3 người, bị thương 1 người. Nguyên nhân, do người điều khiển xe mô tô uống rượu, chạy tốc độ cao, chở quá số người quy định; xe ô tô tải đi không đúng phần đường, đã tông vào nhau.
Cũng theo Phòng cảnh sát giao thông tỉnh, từ đầu năm 2004 đến ngày 10-8, trên địa bàn Bình Định xảy ra 295 vụ tai nạn giao thông, làm chết 139 người, bị thương 368 người. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do điều khiển phương tiện trong lúc có men rượu bia trong người.
Chỉ với một khía cạnh tai nạn giao thông, nhậu đã để lại hậu quả không nhỏ như vậy. Còn nếu thống kê cho hết những hậu quả do nhậu gây ra, chẳng hạn ngộ độc do nhậu, tan vỡ gia đình do nhậu, phạm pháp vì nhậu… thì có lẽ còn khủng khiếp hơn nhiều. Tất nhiên, không thể đánh đồng tất cả những người đi nhậu đều xấu, đều dẫn đến hậu quả như thế nhưng nếu mỗi người chúng ta hạn chế nhậu thì sẽ góp phần giảm bớt những chuyện không vui như đã nêu, tránh được lãng phí về tiền bạc, thời gian và sức khỏe.
. Nguyễn Bá |