Chỉ cần làm một con tính nhỏ, ta có thể thấy số lượng những bộ phim lịch sử trên truyền hình hiện nay chiếm một thời lượng không hề ít. Tuy nhiên có một điều gây nhiều băn khoăn, đó là từ đài truyền hình trung ương đến địa phương, ta có thể dễ dàng bắt gặp những bộ phim dã sử Trung Hoa.
Truyền hình trung ương thì có những Hán Vũ Đế, Tần Thủy Hoàng, Lã Bất Vi, Truyện Thương Ưởng, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tể tướng Lưu gù… Những đài địa phương thì không thiếu những Thủy Hử, Lý Vệ làm quan, Quan huyện 9 tuổi, 13 đời vua nhà Thanh…
Có thể những bộ phim Trung Quốc kia đều là những sản phẩm quà biếu, không phải mua bản quyền và được phép phát sóng rộng rãi, điều đó phù hợp với tiêu chí tiết kiệm của một số nhà đài. Thế những khi để những sản phẩm văn hóa Trung Quốc tấn công ồ ạt vào truyền hình như vậy thì thiết nghĩ, những cán bộ nhà đài cần nhìn lại trách nhiệm về tuyên truyền và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Không chỉ nhà đài, một số tờ báo thậm chí cả báo chuyên ngành điện ảnh cũng ăn theo truyền hình bằng những bài viết khảo cứu lịch sử Trung Hoa, giới thiệu dàn diễn viên trong phim Trung Hoa một cách đầy hào hứng cùng với những chiêu câu khách như chụp ảnh poster của những ngôi sao Trung Hoa làm thành quà tặng và đố vui về lịch sử Trung Hoa để thu hút thêm độc giả. Thông tin về văn hóa, lịch sử Trung Quốc bỗng trở thành cơn sốt, ngập tràn cả báo chữ lẫn báo hình khiến người dân không khỏi bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Điều đó đồng nghĩa với văn hóa Việt đã bị mai một đi một chút.
Có thể một số người biện minh rằng nền văn minh và văn hóa của Trung Hoa hùng vĩ quá, lịch sử của Trung Hoa nhiều sự kiện hay quá nên phim Trung Hoa làm dễ hay và dễ cuốn hút lắm. Điều đó đúng là không hề sai nhưng để mà từ chuyện đó rồi nhắm mắt làm ngơ để phim Trung Quốc làm mưa làm gió trên truyền hình thì xét cho cùng đó chỉ là mặc cảm tự ti mà thôi. Văn hóa Việt Nam và lịch sử Việt Nam nếu được khai thác sẽ tạo thành không ít sản phẩm truyền hình hay như Đất Phương Nam, Sóng ở đáy sông, Mùa lá rụng hay Đất và Người. Chỉ tiếc rằng những bộ phim truyền hình có chất lượng như vậy còn ít quá và thành thực mà nói về độ thu hút khán giả chúng vẫn còn kém xa so với phim dã sử Trung Quốc, điều đó liệu có làm những nhà đạo diễn, những nhà biên kịch suy nghĩ?
Có thể nguyên do rằng tại phim truyền hình của ta ít về số lượng và còn thấp về chất lượng nên phải chiếu phim Trung Quốc để lấp đầy thời lượng phát sóng. Tuy nhiên tại sao phim Trung Quốc được chiếu vào những buổi phát sóng rất dễ dàng cho người dân theo dõi (buổi 18h, 20h, 21h), trong khi chính những bộ phim Việt Nam lại bị chiếu toàn vào những giờ "khó xem" như 9h, 10h, 13h? Phim Trung Hoa thì được phát liên tục tạo mắt xích dễ theo dõi đối với khán giả nhưng chính phim truyền hình Việt Nam bị xử tệ, đơn cử việc phim Cảnh sát hình sự - Cổ cồn trắng có cốt truyện hay và nhiều tính tiết cuốn hút nhưng khi phát sóng thì "nhỏ giọt" một tuần một lần thành ra mạch phim bỗng thành rời rạc gây cảm giác chán nản từ không ít người xem.
Chúng ta đều thấy được sức mạnh to lớn của truyền hình và sức mạnh đó đã thể hiện "dấu ấn" đậm nét trong việc tuyên truyền văn hóa và lịch sử… Trung Hoa (!). Thử hỏi những em bé ngây thơ, chúng dễ dàng kể ra những Lưu Dung, Khang Hy, Càn Long, Tào Tháo, Bao Thanh Thiên nhưng hiểu biết của chúng về những Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Nguyễn Trãi được bao nhiêu? Những đầu óc non nớt của các em đã phần nào bị văn hóa Trung Hoa lấn át và từ đó bản lĩnh văn hóa Việt trong những công dân Việt tương lai sẽ bị hao mòn. Đã đến lúc cần phải hạn chế những bộ phim truyền hình dã sử Trung Quốc, xóa bỏ tâm lý "ăn sẵn" để đặt cao hơn trách nhiệm làm ra những sản phẩm điện ảnh phản ánh lịch sử Việt Nam một cách sâu sắc và cuốn hút hơn.
. Hoàng Tùng
(18 ngõ 36 phố Hương Viên quận Hai Bà Trưng Hà Nội) |