Tôi viết bài báo này không phải vì vấn đề nhỏ xíu là 60 viên thuốc. Tôi viết vì các cụ nằm cùng phòng bệnh với tôi là cụ Cầu (ở Phù Mỹ), cụ Cần (ở Tây Sơn), cụ Châu (ở Quy Nhơn)… yêu cầu nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) phải có thuốc trị đúng bệnh mà trong danh mục BHYT đã duyệt. Tôi viết còn với mong muốn qua đây các bệnh viện và cơ quan BHYT rút ra được điều gì nhằm giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân BHYT, nhất là với những người già như chúng tôi.
Ngày 21-8-2000 tôi bị sưng ngón cái ở bàn chân phải. Bệnh viện đa khoa tỉnh thử máu ghi vào giấy xét nghiệm, có nồng độ acide uric trong máu là 590 Mol/l và đã chẩn đoán là tôi bị bệnh Goutt (gút). Phòng khám trung cao đã phát và có ghi rõ cách dùng: Colchicin 20 viên, Ampiciline 20 viên, Vitamin 3B 20 viên. Bác sĩ còn dặn thêm, khi uống hết thuốc, thì mua tự túc Colchicin ngày 1 viên, uống liên tục.
7 tháng sau (ngày 14-3-2001) thì ngón cái ở bàn chân trái lại sưng, tôi đến phòng khám trung cao, bác sĩ cũng cho thuốc như trên, nhưng riêng Colchicin 20 viên bảo ra ngoài mua tự túc để uống. Và cũng dặn sau 10 ngày (mỗi ngày 2 viên) thì vẫn cứ phải mua tự túc Colchicin uống 1 viên/ngày liên tục. Nhưng chỉ 3 tháng sau bệnh Gút lại tái phát. Vì hoàn cảnh gia đình không thể nằm viện được, nên 4 năm qua tôi phải tự túc mua mỗi ngày 1 viên Colchicin.
Đến ngày 26-7-2004 lại sưng gót chân trái, nhức dữ dội, phải nhập viện. Vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định (nằm phòng 7 khoa trung cao tầng 2) được bác sĩ phó khoa Huỳnh Thị Dung trực tiếp điều trị. Bác sĩ Dung cho biết hướng chữa là bệnh Gút kết hợp bệnh đau dạ dày. Riêng bệnh Gút cấp, bác sĩ cho biết vào ngày đầu uống mỗi ngày 2 viên chia 2 lần (uống lúc no). Các loại thuốc rất đầy đủ. Hai điều dưỡng viên là Hồ Thị Cúc và Võ Thị Hà có thái độ phục vụ rất tốt. Khi phát thuốc đều có hướng dẫn bệnh nhân chu đáo, kể cả vấn đề ăn uống, tập thể dục theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, đã qua 3 ngày mà tôi không được phát Colchicin để uống, tôi mới hỏi, thì cô Cúc bảo là do kho Dược hết rồi. Sau ngày thứ tư, vì nhức quá, tôi lại hỏi, thì cô Hà nói khoa Dược chưa mua được. Cũng vì gót chân chưa bớt sưng, buộc lòng tôi phải lên gặp bác sĩ Châu (Giám đốc bệnh viện). Bác sĩ Châu bảo: Tuy Colchicin có trong danh mục của BHYT, nhưng muốn mua phải có Vi-sa và hóa đơn đỏ mới thanh toán được(!). Chúng tôi là bệnh nhân, không biết chuyên môn, thủ tục nên đành thuê xích lô lên BHYT tỉnh để hỏi, thì được bác sĩ Anh trả lời là: Nếu bệnh viện đứt thuốc thì bệnh nhân đi mua, nhưng trong đơn thuốc phải có ý kiến phòng Y vụ là bệnh viện chưa mua được, BHYT tỉnh mới thanh toán. Do đó, gia đình tôi đã đi mua 60 viên Colchicin 1mg giá 162.000 đồng và tiếp tục uống theo chỉ dẫn của bác sĩ Dung cho đến ngày 16-8-2004 lành bệnh, ra viện.
Xin có lời cảm ơn bác sĩ Dung, 2 điều dưỡng viên Võ Thị Hà, Hồ Thị Cúc và bác sĩ Châu - Giám đốc - về tinh thần và thái độ phục vụ bệnh nhân rất tốt.
Nhưng dẫu sao, tôi cũng xin đề nghị với các cơ quan chức năng:
- Là bệnh nhân, khi nhập viện, tôi chỉ biết tin tưởng tuyệt đối vào chuyên môn và an tâm, chấp hành y lệnh của bác sĩ, chớ làm sao mà biết được Vi-sa và hóa đơn đỏ hoặc xanh?
- Nếu là bệnh nhân già yếu, làm sao đi hỏi được cấp này, cấp nọ?
- Thuốc có trong danh mục BHYT, mà bệnh nhân không có thuốc uống (nếu gia đình tôi không đi mua ngoài thì làm sao lành bệnh?).
- Vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều về quyết toán của BHYT cả nước ngành BHYT còn chưa sử dụng hết hơn 2.000 tỉ đồng, và hiện nay đang có phong trào vận động mua BHYT tự nguyện nhưng phục vụ như vậy làm sao thuyết phục được nhân dân?
. Nguyễn Cung
(81 Lê Hồng Phong, Quy Nhơn) |