Đầu tháng 8-2003, do việc triển khai thực hiện dự án phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực Cồn Chim (Phước Sơn, Tuy Phước) không đúng trình tự thủ tục các bước đầu tư; không công khai các vấn đề ảnh hưởng liên quan đến việc làm, đời sống của một số hộ chuyên nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực này nên một số người quá khích đã đốt phá nhà trại, tranh giành quyền sử dụng đất, tại khu vực triển khai dự án.
|
Dân địa phương bắt tôm cá, phá rừng trồng ở Cồn Chim |
Sự việc đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo xử lý khắc phục. Nhưng đến đầu tháng 8-2004 vừa qua, trên 300 người đã "đổ bộ" dẫm nát diện tích rừng trồng gần 1 năm tuổi; bắt tôm, cua, cá nuôi thử nghiệm gây thiệt hại lớn về tài sản.
Trong vòng một năm (8.2003-8.2004) trên một công trình dự án có mục đích vì đời sống và việc làm ổn định cho nhân dân lại liên tiếp xảy ra 2 "sự cố" do một số người dân quá khích gây ra; có phải do những người dân này coi thường pháp luật hay còn nguyên nhân nào khác?
Được biết, tháng 8-2003, sau khi xảy ra "sự cố" Cồn Chim, lần đầu, phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngoạn đã có ý kiến chỉ đạo xử lý tại văn bản số 127/TB-UB ngày 12-8-2003. Tiếp theo đó, tại cuộc họp Ban cán sự UBND tỉnh để xem xét giải quyết vụ việc này, có giám đốc Sở Thủy sản, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, Chủ tịch xã Phước Sơn và các sở, ngành liên quan tham dự, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã kết luận giao nhiệm vụ:
- Cơ quan điều tra khẩn trương tiến hành điều tra, sớm có kết luận làm rõ đúng sai về việc một số người dân có hành vi vi phạm pháp luật đốt phá tài sản của Ban quản lý dự án, đưa ra xét xử công khai theo pháp luật để giáo dục ý thức chấp hành pháp luật sâu rộng trong nhân dân, chấm dứt tình hình xem thường kỷ cương phép nước.
- Triển khai công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, phân vùng, giải thửa cắm mốc giao quyền sử dụng đất cụ thể cho Ban quản lý dự án, ban hành quy chế quản lý, xác định rõ phạm vi từng khu vực; khu vực thuộc quyền quản lý của cơ quan Nhà nước, khu vực kết hợp cơ quan Nhà nước và nhân dân cùng làm, khu vực do nhân dân được khai thác đánh bắt thủy hải sản tự nhiên, gắn quá trình thực hiện dự án với giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân.
Chủ trương là như vậy, nhưng thực thi như thế nào, kết quả ra sao chưa đánh giá được. Còn hậu quả thì đã rõ.
Giá như các ngành chức năng liên quan chấp hành, tổ chức thực hiện nghiêm túc đến nơi, đến chốn ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh nêu trên thì tình hình ở Cồn Chim đến nay nhất định sẽ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Có thể nói "sự cố" ở Cồn Chim xảy ra vừa qua do một phần thiếu trách nhiệm của các ngành, địa phương liên quan trong việc tổ chức thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh.
. Hoàng Công Lý |