Trong bài báo Đê sông Hà Thanh kêu cứu, tác giả đã cảnh tỉnh cho các cấp chính quyền địa phương nên quan tâm nhiều hơn đến việc chăm nom, gia cố đê sông Hà Thanh. Trong bài báo này, những cán bộ địa phương chỉ mới "thấy và đem lòng lo", chứ chưa thật sự có trách nhiệm dự báo và phòng hộ. Sự vụ mà bài báo nêu chính quyền địa phương có biết không?
Tôi tin là biết, nhưng họ làm ngơ, viện nhiều lý do, trong đó có thể có lý do thiếu kinh phí.
|
Xe độ chế lấy cát trái phép trên sông Hà Thanh |
Kinh phí để tu bổ đê là điều kiện cần, nhưng theo tôi các cấp chính quyền chưa thể hiện cao ý thức trách nhiệm của mình về vấn đề này trước dân. Hàng năm (chỉ trừ những tháng mưa lũ), sông Hà Thanh phải "nín thở" để chịu cảnh rút ruột đến xót xa. Nhiều địa phương chỉ thấy lợi cục bộ mà chưa thấy hại cho cộng đồng nên đã tổ chức cái gọi là "đấu giá bãi cát" để thu vào một khoản gọi là đóng góp ngân sách. Qua đó, họ đã tận lực "moi ruột" sông; hàng ngày trên dọc tuyến sông Hà Thanh có chừng 5-7 chiếc xe máy đào hốt cát, có đến chục máy dầu đang ngày ngày hút cát để lại nhiều vực thẳm trên lòng sông, có vực sâu đến gần chục mét. Trong những năm qua đã có đến gần chục em nhỏ bị chết đuối bởi những chiếc bẫy này. Những chiếc máy hút lấy cát sát chân đê sông, thậm chí đào phá đê sông để mở đường cho xe đi lấy cát nhưng đã được địa phương thỏa thuận!? Thật kỳ quái.
Tôi nghĩ, việc sạt lở đê sông Hà Thanh có một phần nguyên do như vậy. Để góp phần khắc phục tình hình trên, các ngành chức năng cần kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm trong quá trình khai thác quá mức đến cạn kiệt nguồn tài nguyên cát. Đồng thời, tỉnh cần có quy hoạch vùng khai thác cát có tổ chức, không khai thác tràn lan, không được khai thác đến chân đê sông,…
Đình chỉ và xử lý theo pháp luật đối với những tổ chức và cá nhân làm trái các quy định của Luật bảo vệ tài nguyên; củng cố và đưa hoạt động khai thác tài nguyên vào nền nếp, đây cũng là giải pháp tối ưu góp phần bảo vệ môi trường vùng ven sông và chính sự tồn tại của sông Hà Thanh.
. Ngọc Hà (Tuy Phước) |