Hòa giải là một công việc thuộc dạng "Vác tù và hàng tổng" với lắm gian truân và phức tạp. Tuy nhiên, ở nhiều phường, xã, thị trấn, thôn xóm, khu vực đã hình thành tổ chức hòa giải do Mặt trận chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức, các tổ chức hòa giải không chỉ tham gia giải quyết những vụ việc va chạm, tranh chấp mà còn hỗ trợ làm kinh tế, tuyên truyền giáo dục pháp luật, vận động xây dựng đời sống văn hóa, chấp hành pháp luật, bài trừ tệ nạn xã hội... Do vậy, hiệu quả mà các tổ hòa giải ở cơ sở mang lại là rất lớn.
Từ thực tiễn công tác hòa giải những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ hòa giải trong thời gian đến:
- Hòa giải chủ yếu là vận động, thuyết phục làm cho đôi bên bất đồng thành hòa thuận cộng đồng dựa trên nền tảng đường lối, chính sách, pháp luật, đạo đức xã hội nhất định. Do đó, cũng như thụ lý giải quyết một công việc hành chính hoặc tư pháp phải xem xét sự việc đó có thuộc thẩm quyền, nếu không thuộc thẩm quyền thì nên hướng dẫn hoặc đặt vấn đề với cơ quan hành pháp hoặc tư pháp có thẩm quyền giải quyết để sớm khắc phục, ổn định tình hình.
- Bố trí cán bộ làm công tác hòa giải phải là những người am hiểu đường lối, chính sách, pháp luật, có lối sống gia đình và bản thân mẫu mực và phải có hiểu biết thực tiễn.
- Có tinh thần trách nhiệm, có uy tín với nhân dân và có khả năng giải thích, thuyết phục.
Mong rằng các cấp ủy, chính quyền, mặt trận ở địa phương cần quan tâm đến các yếu tố trên để tổ chức các tổ hòa giải phát huy tốt vai trò trong việc giải quyết các vụ tranh chấp tại địa phương.
. Nguyễn Hoàng Long |