Báo Bình Định số 2282 ra ngày 13-9 có bài Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Bình Định: Cần được giúp đỡ để vươn xa. Đọc xong bài báo... tôi có mấy băn khoăn.
Thông tin từ Bộ Thương mại cho hay - Đầu tháng 9-2004, Công ty Gốm Việt (48/10 Điện Biên Phủ - quận Bình Thạnh - TP HCM) được một tập đoàn của Mỹ bao tiêu độc quyền toàn bộ sản phẩm, sự kiện này gây chú ý trong giới sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Gốm Việt được chủ động tạo mẫu, sản xuất sản phẩm gốm sứ theo chất lượng mà hai bên đã thống nhất. Đến nay, Gốm Việt đã xuất được cho đối tác 3 container, trị giá mỗi container hàng khoảng 12.000 USD. Theo ông Vũ Việt Chương - Giám đốc thương mại Công ty Gốm Việt, hiện công ty chỉ đáp ứng được tối đa 10% nhu cầu của đối tác.
Theo Bộ Thương mại, ở ngành hàng thủ công mỹ nghệ, thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản tiêu thụ hàng Việt Nam ngày càng nhiều với mức tăng trưởng hàng năm như sau: Mỹ 4,5%, Nhật Bản 3,4%, các thị trường còn lại khoảng 2-3%. Từ đầu năm 2004 đến nay, riêng ngành gốm sứ kim ngạch xuất khẩu đạt 225 triệu USD (tăng 6,7% so với cùng kỳ 2003), ước tính con số này có thể tăng lên đến 400 triệu USD. Các làng nghề, những người thợ thủ công mỹ nghệ của Bình Định chiếm được bao nhiêu trong những triệu USD này?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã tính đến việc trồng rừng để tạo nguyên liệu sản xuất bởi trong tương lai không xa, các khách hàng ở EU, Bắc Mỹ sẽ không dùng sản phẩm lấy từ rừng tự nhiên nữa. Trong hoàn cảnh tương tự, chắc là các DN sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ cao cấp ở ta cũng sẽ không thể mua chui nguyên liệu mãi. Vậy thì nên chăng hãy thử chuyển sang dùng gỗ rừng trồng hoặc chuyển sang sản xuất những mặt hàng dễ trồng, sản xuất nguyên liệu như tre, lục bình, cói, lác, chuối... Ở Bình Định, nhiều người vẫn còn than khó trong việc đi tìm nguyên liệu, tìm khách hàng, than rằng quy mô sản xuất nhỏ quá, vốn ít... Những người than khó kiểu ấy chắc sẽ không biết làm gì nếu đặt mình vào vị trí một doanh nghiệp nhỏ như DNTN Dạ Lý Hương (quận 2 TP.HCM). Dạ Lý Hương vừa xuất ủy thác qua Haprosimex Sài Gòn sang châu Âu lô hàng 4.500 giỏ đan bằng dây lục bình, dây chuối trị giá 15.000 USD, bình quân mỗi tháng DNTN Dạ Lý Hương xuất sang từ 1-3 lô hàng như vậy!
Những gì mà thợ thủ công ở làng nghề của Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Bắc Ninh, TP. HCM đã làm chắc không quá khó đến độ thợ của Bình Định không học theo được. Các loại nguyên vật liệu để mà Gốm Việt, Dạ Lý Hương... dùng để sản xuất Bình Định cũng có, thậm chí có khá nhiều. Chủ trương thu hút, hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại cũng đã được ban hành, tuy chưa phải đã là hoàn hảo nhưng cũng giúp được doanh nghiệp khá nhiều... Như vậy, phần còn lại thuộc về doanh nghiệp và những cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp, thợ thủ công phát triển sản xuất. Với truyền thống sản xuất hàng thủ công lâu đời, nếu các đơn vị, người làng nghề không biết cách viết dự án tốt, thuyết phục được cơ quan quản lý vốn thì vô lẽ các phòng kinh tế, kế hoạch ở các huyện không tư vấn được gì cho người dân, doanh nghiệp hay sao? Hoặc chí ít cũng có thể chỉ đường để họ có thể tìm đến đâu đó để được tư vấn chứ! Tôi nghĩ dự án tốt, lối vươn xa tốt đang chờ ta ở đâu đó mà thôi và các cán bộ (nhất là những cán bộ đang hưởng lương từ nguồn ngân sách) cần phải tích cực hơn trong việc giúp dân. Hơn ai hết họ phải biết rằng tiền lương mà họ nhận mỗi tháng có sự đóng góp từ các khoản thuế mà doanh nghiệp nộp cho Nhà nước, do đó không thể nói rằng vì dân không hỏi nên không biết để trả lời!
. Đông A |