Tết Trung thu nhằm ngày rằm tháng 8 âm lịch (giữa mùa thu), là thời điểm mà khí trời nắng nóng đã giảm dần, trời trong gió mát trăng đã nói lên cảnh thanh bình của làng quê Việt Nam. Ngày này, từ xa xưa ông cha ta đã dành riêng làm ngày vui của trẻ con dưới ánh trăng dịu hiền nên còn gọi là tết nhi đồng.
Riêng ở vùng nông thôn Hoài Nhơn quê tôi ngày xưa, tết nhi đồng cũng tổ chức đêm rước đèn hoặc mang lồng đèn rủ nhau dạo quanh xóm. Trẻ em ở đây không có bánh trung thu sang trọng, đắt tiền, không có chiếc trống cơm và đầu lân được bán sẵn ngoài chợ mà là các em phải tự làm hoặc nhờ anh chị, cha mẹ làm giúp để có đồ chơi trong đêm trăng rằm. Có những cây đèn mà các em phải nhiều ngày lượm từng hạt bòng, hạt bưởi, lột vỏ rồi xâu bằng cây cọng dừa dài khoảng vài gang, phơi khô hoặc xâu bằng hạt thầu dầu (đu đủ tía) làm thành đèn. Vậy mà nhiều đèn của nhiều em chơi được đến khuya. Trống cơm thì được cắt một nửa lóng tre lòng ngà, hai đầu bịt bằng bong bóng heo, đêm đến đầu trên xóm dưới gõ bum bum vào trống nghe cũng vui tai, nên cả bầy con nít xúm xít chạy theo. Còn quà trung thu chỉ là những viên kẹo ú làm bằng đường mật mía, lăn ngoài bằng bột mì cho khỏi dính tay, với những vắt xôi ngọt, bên ngoài lót lá chuối mà cha mẹ chúng cúng bàn thờ dành cho. Đầu lân thì cả làng mới có được một cái nhờ mấy cụ khéo tay, lấy nan tre đan bằng cái giỏ, lấy hai nửa sọ dừa nhỏ cột vào làm hai mắt, lấy sống đuôi dừa làm mũi, lấy nửa cái trẹt cột vào dưới làm hàm lân, và gắn râu bằng tơ tằm. Xong lấy hồ giấy phất bên ngoài, rồi lấy phẩm vẽ nên đầu lân. Lưng lân dùng tấm ra rách cắt bỏ bớt rồi tra đuôi làm bằng cây chổi đót. Cả đám trẻ vây quanh chạy theo trông như đêm hội, vỗ tay la ó cùng với ông địa đang cầm quạt nang quẩy qua lắc lại cũng lắm vui. Rồi sau đó, chúng bày trò u mọi, giật cờ và nhảy tiền khi trăng đã lên cao, sáng, mát và đẹp.
Một ấn tượng khó quên mà tuổi thơ ở nông thôn chúng tôi đã sống qua khi quê hương còn êm đềm chưa biết gì về tiếng súng. Rồi khi chập chững đến trường, có những đêm trung thu vui hơn, biết rước đèn bằng một cái ky đổ dầu dừa chừng một lóng tay, cùng một cái tim đèn mẹ se bằng vải thô luồn qua vòng sợi kẽm, được đốt thành đèn và đi rước với các bạn cùng lớp. Buổi họp thiếu nhi trên bãi cát trắng dưới ánh trăng trong, nghe anh phụ trách chi đoàn thời kháng chiến đã đọc mấy vần thơ Bác Hồ gởi thăm thiếu nhi cả nước như:
Trung thu trăng sáng như gương.
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gởi thăm các cháu tỏ lòng nhớ nhung…
mà cảm động xiết bao! Rồi chúng tôi hát những bài hát về trung thu giản đơn mà vui vẻ: Ánh trăng trăng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già/ Ôm một mối mơ/ Cuội ơi ta nói Cuội nghe/ Ở cung trăng mãi làm chi…
Ngày nay khi đất nước thanh bình, thì tuổi thơ cũng đã qua rồi, nhìn đám cháu vui trung thu đầy đủ, đèn lồng đủ kiểu, trống cơm, đầu lân, treo bán đầy phố. Bánh trung thu hạ, trung, cao cấp được người lớn mua về, các em trong xóm, trong làng, trong khu phố được phát quà thấy mà thèm, ước gì hóa làm trẻ em trở lại, khi đất nước thanh bình.
. Trần Xuân Liếng |