Tôi thật sự đau lòng và phẫn nộ khi đọc bài "Chuyện một thủ môn đội tuyển quốc gia trở thành thợ hớt tóc: Nạn gian lận đã "giết" một tài năng!"
Thật không thể tưởng tượng nổi là một thủ môn ở độ tuổi U-19 lại được các thầy "hướng dẫn" đổi giấy khai sinh để thi đấu giải U-15, được bầu là "thủ môn xuất sắc nhất giải", được gọi vào đội tuyển U-17 quốc gia khoảng một tháng và... chấm hết.
Bây giờ Phát dùng đôi tay trời phú của mình không phải để bắt bóng mà để hớt tóc, lấy ráy tai, cạo mặt...; dùng đôi chân không phải để bay nhảy giữa khung thành mà để bươn chải tìm manh áo miếng cơm.
Con đường phát triển tài năng kèm theo đó là giấc mơ đổi đời của một tuyển thủ U-17 quốc gia cũng tan biến vì những mưu toan đen tối của một số người khác. Lý do cũng thật dễ hiểu: sự thăng tiến của Phát sẽ làm lộ ra một cái "ung nhọt", một sự gian dối đáng hổ thẹn, ảnh hưởng đến uy tín, địa vị của họ.
Rõ ràng thủ môn Phát là một nạn nhân đáng thương của căn bệnh thành tích trong thể thao. Căn bệnh ấy gây nên những vụ đánh tráo hồ sơ, gian lận tuổi... ở các giải đấu. Căn bệnh ấy đã chôn vùi nhiều tài năng mới chớm mà nỗi đau của Huỳnh Xuân Phát có lẽ cũng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", vì trong số hàng trăm vụ gian lận tuổi được phát hiện mỗi năm, những cầu thủ có triển vọng được người ta "phù phép" để đem đi "chọi" và sau đó "vứt xó" tương tự như trường hợp của Phát chắc sẽ là một con số không nhỏ.
Thiết nghĩ trong bóng đá cũng như bất kỳ lĩnh vực nào khác, thành công hay thất bại phần nhiều được quyết định bởi chính sách đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài có đúng đắn, hợp lý hay không.
Đối xử với một tài năng trẻ bằng cách đánh đổi con đường thăng tiến của họ để mưu cầu thành tích, tiếng thơm nhất thời cho bản thân mình là một việc làm vô cùng phi thể thao, phi giáo dục và phi nhân nghĩa của những người làm công tác quản lý, huấn luyện - tức những người lớn. (An Mỹ)
* Không thể không biết
Tôi là người rất quan tâm tới bóng đá tỉnh mình. Nhưng trước lời nói chối bỏ trách nhiệm của ông giám đốc Sở TDTT Bình Định, tôi cảm thấy rất hổ thẹn.
Tại sao ông ấy có thể nói rằng Phát không có trong danh sách của trường khi trong một thời gian dài Phát đã nội trú ngay trong Trường Năng khiếu? Và tôi đã nhiều lần đến tìm Phát ở đó. Tôi cũng là người chứng kiến việc Phát đi công chứng giấy tờ cùng với một cán bộ có máu mặt của trường để chuẩn bị cho giải U-15 quốc gia, mặc dù tôi không biết tên ông ấy.
Tôi viết mấy dòng này không phải muốn đổ thêm dầu vào lửa mà chỉ muốn mọi việc được sáng tỏ và muốn thấy Phát chơi bóng trở lại. Tôi rất vui vì sự việc này được báo chí quan tâm. (H.C)
* Trách nhiệm của Sở TDTT ở đâu?
Không thể nào chịu được cách trả lời kiểu muốn chối bỏ trách nhiệm như vậy, dù sự việc chưa hạ hồi vì ông giám đốc sở còn chờ HLV Kim Đức về.
HLV Kim Đức là ai, có phải là người của Sở TDTT Bình Định không, tất cả những gì ông Kim Đức - thuộc cấp của ông - làm thì ông có liên đới trách nhiệm?! Còn nữa, ông bảo "tiếc là Phát không lên gặp tôi". Làm thế nào mà em Phát dám gặp "ngài" giám đốc sở chứ, có dám thì bằng cách nào?
Nói thật, một người dân bình thường, đã trưởng thành, ở Bình Định có muốn gặp ông cũng chưa biết làm thế nào để được gặp. Vấn đề ở đây là tội cho Phát, em đâu có muốn gian lận, chỉ vì người lớn lôi em vào trò gian trá này khiến em mất đi cơ hội đổi đời bằng tài năng của mình. (Nguyen Tien Hung)
. Theo Tuổi trẻ
|