* Tập một số phách roi đấu đơn giản
1. Tập phách bắt chân:
- "Chong roi" theo tư thế hai tay nắm roi chặt. Lực tay trái ở trước "bắt" roi từ trên xuống và từ trái qua phải. Đồng thời, tay trái hạ đầu roi chỉ xuống đất "chận" đầu roi từ dưới lên và từ trái qua phải. Hai mắt nhìn về phía trước theo roi. Cứ thế ta tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.
2. Tập phách bắt bắt:
Đứng "chong roi" theo tư thế chân phải ở sau bỏ ngược ngang qua phía bên trái một bước. Đồng thời, tay trái ở trước "bắt" roi từ trái qua phải và từ trên xuống. Tiếp đến chân phải ở sau lại bước ngang qua bên phải một bước. Đồng thời, tay trái ở trước "bắt" ngược đầu roi lại từ phải qua trái và từ trên xuống. Hai mắt nhìn về trước theo roi, và tập nhiều lần trong mỗi buổi tập.
3. Tập phách bát bắt:
- Đứng "chong roi" theo tư thế chân trái ở trước bỏ lui về sau một bước. Đồng thời tay phải ở sau "bát" đầu đốc roi từ sau ra trước, và từ dưới lên. Tiếp đến chân trái lại bước đồng thời tay trái ở trước "bắt" đầu roi từ trên xuống, và từ trái qua phải. Hai mắt nhìn về phía trước và tập nhiều lần trong mỗi lần tập.
4. Tập phách bắt bát:
- Đứng "chong roi" theo tư thế H3 (xem ảnh). Tay phải ở sau "bắt" đầu đốc roi từ sau ra trước và từ trên xuống. Tiếp đến tay trái ở trước "bát" đầu roi từ dưới lên. Hai mắt nhìn về trước theo roi và tập nhiều lần cho mỗi buổi tập.
5. Tập phách đâm hạ, đâm thượng:
- Đứng "chong roi" theo tư thế H3. Tay trái ở trước hạ đầu roi đâm xuống đất, tiếp đến tay trái ở trước nâng đầu roi đâm lên trên "bộ thượng". Hai mắt nhìn về trước theo roi và tập nhiều lần cho mỗi buổi tập.
* Phần các lời thiệu và những động tác minh họa bài roi Thái-Sơn
Lời thiệu của bài roi Thái-Sơn được trích trong tập tư liệu cổ bằng chữ Hán-Nôm, vừa sưu tầm được tại võ đường của võ sư Phan Thọ ở Bình Nghi, huyện Tây Sơn, do ông Đào Thống ký chỉ trên lời thiệu. Điều này đã góp phần khẳng định các đặc trưng về nội dung, địa danh ở vùng đất Tây Sơn, Bình Định và được phổ biến khá rộng rãi trong các dòng tộc, môn phái và nhân dân Bình Định.
Bản phiên âm và bản dịch nghĩa ca bài thiệu cổ "Thái Sơn Thảo Pháp" bằng chữ Hán.
Phần phiên âm:
1. Thái Sơn trích thủy, địa xà liên.
2. Thương lượng lộng ky (cơ), lân thoái bạch viên
3. Huy ky (cơ) độc giác trung bình hạ
4. Thượng thích đại đăng tấn thừa thiên
5. Hồi đầu trực chỉ liên tam thích.
6. Đồng tân thuận thế gián vân biên
7. Tẩu độc thố, Trưng Sơn hoành gián kiếm
8. Linh miêu mai phục tấn thích ngưu
9. Thừa châu bố địa khai côn thích
10. Hồi tiểu kim kê đả trung lan
11. Phi phong tẩu võ khai ngưu giác
12. Tiểu tử tam phiền giá mã an.
13. Bái tổ sư, lập như tiền.
Dịch nghĩa:
1. Thế "Thái sơn trích thủy" (giọt nước núi Thái) liền với thế "địa xà" (con rắn đất).
2. Thế "thương thượng lộng ky" (đầu ngọn thương mà cũng là lưỡi cuốc) lui gần khu vườn trống.
3. Tia sáng lưỡi cuốc như con vật một sừng trong thế "trung bình hạ".
4. Đâm lên, nhảy mạnh như tiến lên trời.
5. Ngoảnh lại, ngắm thẳng, đâm liền ba bận.
6. Thuận thế "Lã Đồng Tân (tên vị tiên) ngăn ven mây".
7. Chạy thế "độc thố" (con thỏ đơn độc), ngọn núi Trưng xoay ngang ngăn lưỡi kiếm.
8. Thế "con mèo linh mai phục" rồi tiến thế "đâm trâu".
9. Ra roi đâm thế "thừa châu bố địa" (theo hạt châu rơi vãi dưới đất)
10. Trở về thế "tiểu kim kê" (con gà vàng nhỏ) đánh ngọn "trung lan"
11. Bay như gió, chạy như mưa, ra thế "sừng trâu".
12. Thế "tiểu tử tam phiền" (đứa trẻ quậy phá ba bận) rồi ung dung lên ngựa...
13. Vái tổ sư, đứng như trước.
. Theo Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định
(còn tiếp) |