Ngày nay, người ta thường dùng các mỹ từ trìu mến gọi các địa phương trong nước, theo sự nổi tiếng của phong cảnh, danh nhân, nghề nghiệp, tóm lại là những đặc trưng lịch sử văn hóa của xứ sở đó. Bình Định cũng được ưu ái gọi bằng nhiều tên lúc gắn với biển cả hoặc núi non, lúc gắn với phong trào nông dân Tây Sơn, lúc gắn với phong trào thơ mới, lúc gắn với nghệ thuật hát bội… Nhưng tên gọi phổ biến mà nhiều người dễ nhận biết là "miền đất võ".
Đó là sự xác tín của bốn phương và niềm tự hào của người Bình Định, khái quát những thành tựu huy hoàng qua hơn năm trăm năm đấu tranh và xây dựng. Khái niệm "miền đất võ" dung chứa một truyền thống đặc sắc là truyền thống thượng võ đúc kết qua nhiều thế hệ mà lịch sử xứ sở này đã minh chứng, như một định mệnh của văn hóa. Dưới triều Lê Thánh Tông, đất Bình Định được sáp nhập vào Đại Việt, trở thành vùng phiên trấn, phên giậu của Tổ quốc ở phương Nam. Ngoài người bản địa (Chăm, Bana, H'rê), những cư dân Việt đầu tiên đến Bình Định là từ các nguồn: quan lại do triều đình bổ nhiệm, dân khai hoang xiêu tán từ miền ngoài vào, các tội nhân lưu đày viễn châu…Vùng đất mới thâu nhận đủ mặt anh hào tứ chiếng, ngoài các luồng di cư có tổ chức hoặc tự phát, còn có cả việc buôn lậu gia nô, trẻ con bị bắt cóc… Bình Định thời ấy nổi tiếng vừa là vùng ruộng rẫy mới mẻ phong nhiêu vừa là chốn hang hùm miệng sấu, việc đặt cược số phận trên con thuyền đến nơi xa xứ vừa có sức hấp dẫn của đất hứa, vừa có ý nghĩa vĩnh quyết chốn cố quận. Trong cuộc mưu sinh, để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và sự phức tạp của một xã hội chưa định hình, võ nghệ dân gian được phát huy cao độ: võ của người bản địa, võ của bốn phương lưu dân, võ của người nước ngoài (võ Tàu do bộ phận cư dân Trung Hoa trốn tránh Mãn Thanh di cư sang).
Hoàn cảnh lịch sử và địa lý đã đặt trên vai Bình Định một sứ mệnh riêng trong số mệnh chung của đất nước thời trung cận đại. Trải qua nhiều thế kỷ, người Bình Định không ngừng nghiên cứu, sáng tạo và đã có một sự nghiệp võ thuật độc đáo. Tinh hoa của võ thuật Bình Định được phát huy cao độ và đạt huân công trong phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nên thường được gọi là võ Tây Sơn, ngày nay gọi chung là võ Bình Định.
Trong dân gian Bình Định cũng như trong các võ đường nổi tiếng, còn lưu giữ khá nhiều tư liệu về võ kinh, võ lý, võ đạo, võ thuật, võ y và võ nhạc, phần thực hành cũng như văn bản truyền qua các đời. Võ cổ truyền Bình Định mỗi thời kỳ đều có sự thăng hoa gắn liền với tên tuổi trở thành niềm tự hào: giai đoạn trước Tây Sơn có Chàng Lía, Trương Đức Thường, giai đoạn chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa nông dân có Trương Văn Hiến (thầy giáo Hiến), Đinh Văn Nhưng (ông Chảng, nhân vật của thành ngữ "Chảng ngang thiên"). Thời Tây Sơn, ngoài ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, có các tướng lĩnh Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Văn Long… Người ta đã dùng các mỹ danh để tôn vinh những nhân vật thời đại: Tây Sơn Tam Kiệt, Tây Sơn Thất Hổ Tướng, Tây Sơn Ngũ Phụng Thư, Tây Sơn Lục Kỳ Sĩ, Tây Sơn Tứ Danh Sư.
Thời chống Pháp, Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng, Võ Trứ đều là những đại danh trong làng võ Bình Định. Võ nhân Bình Định thời Nguyễn như Phạm Văn Lý, Võ Văn Trừ, Lê Đại Cang, Lê Đình Lý… đều vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc. Các gia đình võ thuật nổi tiếng truyền qua nhiều thế hệ có các võ sư: Hồ Triêm, Lê Thị Quỳnh Hà, Hương mục Ngạt (Nguyễn Ngạt), Khiển Phạm, Bảy Lụt, Hương kiểm Mỹ (Đinh Hề), Lâm Hữu Phong, Hương kiểm Lài (Lâm Đình Thọ), Hồ Ngạnh, Khách Bút, Hương lễ Nghè, Bầu Đê, Dư Đành, bà Tám Cảng, bà Sáu Sanh v.v…
Sự phát sinh, phát triển của võ cổ truyền Bình Định là một tất yếu khách quan, từ sự định dạng và nâng cao mang bản sắc đặc trưng một vùng đất đóng góp vào sứ mệnh lịch sử của quốc gia, dân tộc. Võ Bình Định hình thành từ dân gian, trong lao động sản xuất, tự vệ, chống chọi với thú dữ, trộm cắp, và tiến đến thành sức mạnh chống cường hào ác bá, nuôi dưỡng truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý nhân nghĩa thủy chung, sức mạnh đóng góp vào giải phóng giai cấp và việc quật cường đánh đuổi ngoại xâm. Về võ kinh, giai đoạn trước có cuốn Hổ trướng khu cơ, giai đoạn sau có cuốn Tây Sơn binh pháp, biên soạn có sự tham chước Binh ngô tôn pháp và Binh thư yếu lược. Về võ lý, võ Bình Định vận dụng học thuyết âm dương, sáng tạo các thế võ dựa vào thao tác lao động (trèo đèo lội suối, canh tác trên đá sỏi, săn bắt vây đuổi…) và tính năng của các loài động vật (thế võ "Hùng kê quyền" mô phỏng từ đòn gà chọi của Nguyễn Lữ, bài roi Thái Sơn cấu tạo từ động tác của tám con vật là rắn, lân, tê giác, thỏ, mèo, trâu, gà, hoặc các bài quyền long, xà, hầu, phụng, kê quyền). Về võ thuật, có các môn quyền thuật cấu tạo bằng cương quyền và nhu quyền, các môn binh khí (côn tức roi, thương, đại đao, giáo, mác, trường kiếm, chỉa ba, dao, rựa, búa, lê, mã tấu, cung, đoản kiếm v.v…). Về võ y, các bài thuốc gia truyền trong làng võ gồm thuốc nam, thuốc bắc, các bài thuốc địa phương kết hợp với việc ứng dụng các bài thuốc trong và ngoài nước và các phương thức day, nắn, bóp, bấm huyệt, châm cứu… đã làm phong phú đa dạng danh mục y học cổ truyền. Về võ nhạc có trống trận Tây Sơn mười sáu chiếc (phía trước mười hai, phía sau bốn) dùng để luyện tập võ thuật và điều binh khiển trận. Ngoài trống, còn có tù và, mõ làng, mõ trâu, chiêng, phèng la… là những nhạc cụ thông dụng trợ giúp cho võ bị Tây Sơn. Đặc biệt môn kỳ võ dùng cờ làm binh khí với cán tre đực và lá cờ dệt bằng sợi thao càn hết sức bền chắc.
Võ Bình Định, như trên đã nói, đã kinh qua nhiều giai đoạn lịch sử, đã minh chứng sự có mặt cấp thiết và bền bỉ của mình từ sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước, địa phương, làng xóm đến dòng tộc, gia đình, cá nhân. Võ Bình Định từ chốn dân gian đã được bác học hóa và bên cạnh việc thi văn còn có thi võ để tuyển chọn hiền tài giúp rập cho triều đình, quốc gia. Võ Bình Định đã gắn liền với sự nghiệp huân công của các anh hùng hào kiệt, đã hòa quyện với cuộc sống người Bình Định trong lao động sản xuất, sinh hoạt hội hè, bằng hữu giao bôi thù tạc… Nhưng về mặt bản chất võ kinh võ đạo, hàng bao thế hệ đã xác tín và minh chứng cho truyền thống thượng võ, đặt lên hàng thượng lễ mục đích nhân văn cao cả. Trước khi gia nhập làng võ, võ sinh tương lai được truyền thụ thuần thục tâm pháp, ngoài việc xem xét tướng mạo, cử chỉ, lời nói, nhân thân, lai lịch… còn phải được thử thách về đạo đức tư cách, sức chịu đựng, lòng kiên trì và tinh thần nhân ái, hướng thượng. Khôn nguôi gìn giữ bản thân luôn trong sáng, thuần khiết, chuyên cần luyện tập với lòng trung thành với môn phái, với Tổ nghiệp, khiêm cung thực hiện chính đạo, đó là kinh nhật tụng của người học võ.
(còn tiếp)
. Nguyễn Thanh Mừng |