Đất võ trời văn (tiếp theo)
16:12', 20/10/ 2004 (GMT+7)

Chính Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị hoàng đế anh minh, nhà quân sự thiên tài đã xác lập nền võ học của quê nhà để trở thành những giá trị văn hóa lưu danh thiên cổ. Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều đại Tây Sơn cũng chứng minh sự nghiệp văn trị đặc sắc hòa quyện trong huân nghiệp lẫy lừng của võ công, dệt cho nền trời quê hương dải mây gấm truyền thống với dòng chữ châu ngọc mà ngày nay người ta dịch nôm na là "trong văn có võ trong võ có văn", hoặc" thuyền võ bến văn", hoặc bao trùm hơn là "đất võ trời văn".

Điều đó dường như xác lập trong hành trang của những người đi mở đất tận những thế kỷ xa vời, được đúc kết và thăng hoa trong một thiên tài và phạm vi điều phối của thiên tài với thời đại, từ đó tỏa sáng và dư ba đến hậu thế. Trong việc phân chia giai đoạn văn hóa Việt Nam, thời đại Quang Trung đã trở thành một dấu mốc. Tương ứng như vậy là các giai đoạn phát triển của văn hóa Bình Định. Là bậc minh quân ròng ròng mồ hôi trí tuệ, Quang Trung - Nguyễn Huệ được danh sĩ Ngô Thì Nhậm mô tả trong Bang giao hảo thoại: "Quang Trung là người vốn tính ham học, dẫu trong can qua bận rộn cũng không quên giảng đạo lý. Ngày thường nghị luận ý tứ rành mạch, khơi mở được nhiều điều mà sách vở ngày xưa chưa từng biết".

Cuộc cách mạng về ngôn ngữ, lập Viện Sùng Chính để dịch các tác phẩm Nho học ra quốc âm, đưa chữ Nôm vào địa vị chính thống, sử dụng trong các văn bản Nhà nước, đã tích cực góp phần vào sự phát triển của tiếng Việt: "Chỉ có đến triều đại Tây Sơn, với những người "áo vải cờ đào" gắn bó với nhân dân lao động, có nhiều ý chí quyết thắng sự xâm lược về chính trị, về văn hóa của kẻ thù, đặc biệt là chủ nghĩa bành trướng thâm căn cố đế của Trung Quốc, tiếng Việt lần đầu tiên mới được đưa lên vị trí xứng đáng". (Tiếng Việt trên đường phát triển - Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Văn Tư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội). Bản lĩnh văn hóa Quang Trung - Nguyễn Huệ thể hiện ở các góc độ khác nhau, từ thành tựu của sự nghiệp giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc, việc nội trị, ngoại giao, phát triển văn hóa, giáo dục, kinh tế nông thương, đến phẩm chất lãnh tụ như lòng trọng đãi hiền sĩ, sự thủy chung tình nghĩa với các văn thần võ tướng, khôn khéo linh hoạt trước kẻ thù…

Thực ra, để xác lập một định mệnh của văn hóa, "miền đất võ" qua nhiều thế hệ đã chứng tỏ được vai trò trung tâm, hội tụ, kết tinh, giao lưu và lan tỏa. "Với đức khiêm nhường truyền thống học được ở người xưa, chúng ta không muốn tự nhận quê hương Bình Định là đất tụ nhân tụ thủy, là địa linh nhân kiệt như nhiều người vẫn nói. Những điều tốt đẹp này, chúng ta muốn giành cho các nhà khoa học uyên thâm nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa, chắc chắn là sẽ khách quan hơn. Nhưng tự thâm tâm, chúng ta thực hết lòng biết ơn quê hương Nghệ An với họ Hồ đã đưa đến Tây Sơn người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung. Chúng ta biết ơn Hà Tĩnh với duyên kỳ ngộ cha Đàng Ngoài mẹ ở Đàng Trong, hai phía đèo Ngang một mối tơ hồng đã cho chúng ta nhà thơ say đắm nhất giữa các nhà thơ - Xuân Diệu. Chúng ta biết ơn đất Quảng Bình đã tặng quê hương ta một Hàn Mặc Tử với số phận cùng cực bi thảm, song trong cuộc đời ngắn ngủi của mình đã kịp để lại những dòng thơ thần cảm cao vời. Chúng ta biết ơn đất Quảng Trị đã đưa đến dưới chân thành Bình Định cũ một Chế Lan Viên xuất hiện với tập Điêu Tàn năm mười sáu tuổi như một niềm kinh dị, và sau này bao giờ cũng mang lại cho thơ những tìm tòi không mệt mỏi, những sáng tạo mới mẻ, hiện đại nhất trong bút pháp".

Trong hành trang văn hóa dân gian của mình, dấu ấn "miền đất võ" được thể hiện khá đậm nét, từ văn học đến hội lễ (như lễ hội đổ giàn An Thái chẳng hạn), từ âm nhạc đến vũ đạo… Tưởng cũng nên không quên võ thuật xứ sở này được vận dụng khá nhuần nhuyễn cho một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định là hát bội. Chính những gương mặt nhân vật được thể hiện trên sân khấu tuồng như Quan Công, Trương Phi, Hoàng Phi Hổ, Triệu Khánh Sanh, Tiết Cương v.v… đã ít nhiều chuyển tải dòng máu của cốt cách, tâm hồn và võ thuật Bình Định.

Chân dung Bình Định qua ca dao, tục ngữ, phần nào đã thể hiện các chiều kích tâm hồn, tính cách của "đất võ trời văn":

Bình Định có núi Vọng Phu

Có đầm Thị Nại có cù lao Xanh

Có Cân, có Cỏ, có Gành

Trời mây bốn mặt, có mình ở trong

Miền núi non biển giã che chở cho những con người trên có trời, dưới có đất, giữa có ta! Những con người ấy mang một khí khái lúc sa cơ:

Chim quyên xuống đất ăn trùn

Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than     

Một khi dấn thân cho nghĩa lớn, họ cũng không vì thế mà công thần, bon chen danh lợi thời hậu chiến, chỉ nghĩ đến quê nhà đau đáu:

Mặc ai khanh tướng công hầu

Qua cầu cho hết binh đao qua về

Qua về qua gỡ bùa mê

Trọn lời em bậu hẹn thề cháo rau

Ấy vậy cho nên phụ nữ Bình Định luôn là nguồn nội lực cho các anh hùng và thi nhân:

Một mai nước lớn đò trôi

Cây khô lá rụng bậu ngồi chờ ai

Bậu ngồi chờ kẻ có tài

Chờ người nhu sĩ nào ai chờ mình

Với tình cảm ưu ái lay động đến non sông đất nước:

Chàng ơi đưa gói thiếp mang

Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không

Người con trai đất võ mang cốt cách bộc trực, thật thà, có thể thiếu ít nhiều văn hoa để thêm ít nhiều mặn nồng chân chất. Kiểu như:

Có dở cũng ở đất thành

Phèng la có bể, cái vành cũng leng keng

Bài ca rách áo là bài ca tiêu biểu cho khí chất này:

Chiều chiều vịt lội bàu sen

Để anh lên xuống cho quen với nàng

Áo anh sứt sổ bùng sàng

Cậy ai mua vải vá quàng về khâu

Kim đồng kim sắt kim thau

Ai mua chỉ tàu vá áo mau xong

Vá rồi anh sẽ trả công

Mai mốt có chồng anh giúp cho nghe

Giúp cho giạ đỗ giạ mè

Một cân tiêu sọ một ghè nghệ khô

Giúp cho cái ấm cái ô

Cái siêu sắc thuốc cái bồ đựng than

Giúp cho một mụ nuôi nàng

No ngày khẳm tháng thì chàng viếng thăm

Anh con trai trong bài ca quả là "nói thẳng, nói mạnh" đến mức cả gan. Nếu trong bài ca cổ điển tài hoa "Hôm qua tát nước đầu đình-Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…" đầy những đẩy đưa nhưng chỉ tới mức các lễ vật dẫn cưới, thì anh con trai đất võ đã đẩy đưa thẳng tiến đến kỳ nở nhụy khai hoa! Hơi "chém to kho mặn" kiểu "nói cho lắm cũng hổng bằng nước mắm chấm dưa cải - nói cho phải cũng hổng bằng dưa cải chấm nước mắm".

(còn tiếp)

. Nguyễn Thanh Mừng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đất võ trời văn  (19/10/2004)
Nơi định danh là Miền đất võ   (19/10/2004)
Roi Kinh, quyền Bình Định   (13/10/2004)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (12/10/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi) (tiếp theo và hết)   (07/10/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi) (tiếp theo)   (05/10/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi) (tiếp theo)   (03/10/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi) (tiếp theo)   (29/09/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi)   (27/09/2004)
Lời thiệu và những động tác minh họa bài quyền Ngọc Trản   (23/09/2004)
Lời thiệu và những động tác minh họa bài quyền Ngọc Trản   (21/09/2004)
Lời thiệu và những động tác minh họa bài quyền Ngọc Trản  (19/09/2004)
Võ cổ truyền: Nét đẹp muôn đời của người Bình Định  (17/09/2004)
Lời thiệu và những động tác minh họa bài quyền Ngọc Trản  (15/09/2004)
Kỹ thuật căn bản của một số môn võ cổ truyền Bình Định: Thảo thất bộ  (12/09/2004)