Đất võ trời văn (tiếp theo và hết)
15:28', 21/10/ 2004 (GMT+7)

Dù thế nào, kiểu lập ngôn ấy cũng phản ánh khí chất của một vùng đất từng là nơi đầu sóng ngọn gió, từng "cày bằng lửa, trồng bằng dao" (chữ của Lê Quý Đôn), giấy má là sa thạch. Dưới những ngọn phong đăng, sản vật của quê hương, họ đã chép đời mình lên vách núi, những vách núi Bình Định thường chồm ra khơi, đón ánh mặt trời đầu tiên nhưng cũng đón đầu tiên những sấm sét bão tố. Của lịch sử trung cận đại. Và những nhân vật lịch sử quê hương đã được tạo hình trong ngôn ngữ dân gian trìu mến. Với Chàng Lía:

Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành

Với Võ sư Đinh Văn Chảng:

Bùng binh chi tướng

Uýng cướng chi quan

Bộn bàng chi chức

Chảng chảng ngang thiên

Với Nhà Tây Sơn:

Anh đi theo chúa Tây Sơn

Em về cày cuốc mà thương mẹ già

                                   

Ơn vua Thái Đức chí tình

Cù Mông vắng vẻ nhưng mình vẫn vui

 

Cây me cũ bến trầu xưa

Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm

                                   

Cá đua sông trước thì đua

Sông sau có miếu thờ vua xin đừng

 

Non Tây áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình

 

Với Mai Xuân Thưởng:

Ngó vô Linh Đổng mây mờ

Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây

Hầm Hô cữ nước còn đầy

Còn gương phấn dũng còn ngày vinh quang

Và đất võ còn để đời trong các truyền thuyết về phong trào nông dân Tây Sơn, các giai thoại làng võ phong phú. Ở đó, nổi bật lên các vùng đất nổi tiếng: "Trai An Thái, gái An Vinh", "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái". Các mẩu chuyện chống Pháp diệt Mỹ cũng như tỉ thí trên võ đài theo thách đố của võ sĩ trong đội quân chư hầu Nam Triều Tiên và võ sĩ Bình Định cũng đầy ấn tượng, thể hiện khí phách của miền đất võ Bình Định vừa dùng sức mạnh vừa đầy mưu trí, kiên quyết dạy cho kẻ thù một bài học.

Có thể nói, lịch sử võ thuật Bình Định song song với lịch sử Bình Định đã in đậm trong văn hóa dân gian miền đất võ, đến mức nói về Bình Định là cả nước nghĩ ngay đến hình tượng: "Ai về Bình Định mà coi- Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền". Người Bình Định có một hội lễ gọi là lễ hội đổ giàn An Thái, thực chất là một festival tràn đầy tinh thần thượng võ. Chế Lan Viên tâm sự: "Chả lẽ lại nói là những kiểu kiến trúc đặc biệt nhà lá mái cửa bàn khoa Bình Định hay cái vòng quay kiên trì triền miên của các xe nước ngoài Quảng Ngãi đã cho tôi sự chịu khó trong thơ? Nhưng quả là những đêm hát bội ở An Vinh, các cuộc đổ giàn ở An Thái làm cho tôi yêu chất hùng tráng - sau này ta gọi là sử thi hay là gì nhỉ? Rồi đây các bạn cũng nên tổ chức lại trò đổ giàn, đó chả là Olympic của ta đấy sao? Một cái giàn cao hàng chục mét, có con heo quay trên ấy và dưới đất là hàng chục võ sĩ từ Quy Nhơn, Đập Đá lên, Bình Khê xuống, Hoài Ân, Hoài Nhơn vào, cùng với các võ sĩ An Thái, An Vinh tại chỗ đang chờ đợi. Khi con heo ném xuống là một cuộc "tỉ thí lôi đài" dữ dội để giành cho được con heo kia, dấu hiệu đoàn nào sẽ là vô địch năm này. Chất hùng ca trong thơ làm sao không dính líu, cái dây hồng trong thơ làm sao không dính líu với các cuộc đổ giàn thượng võ này? Blake đã nói khá đúng: 'Văn hóa đi bằng lối thẳng, còn nghệ thuật thì đi các lối ngoằn ngoèo'. Trong Điêu Tàn có yếu tố thần bí vì tuổi trẻ tôi tìm trong tiếng tụng kinh trước bàn thờ thờ Phật của cha tôi và trường tôi nằm trong tầm ngân vang của chuông nhà thờ đạo Kim Châu gần đấy". (Chế Lan Viên - Thơ văn chọn lọc, Sở VHTT Nghĩa Bình 1988).

Cái lý và cái tình để đất này là nơi lập thân của Đào Duy Từ thế kỷ XVI, hay một nhà họ Nguyễn thôn Vân Sơn thế kỷ XIX có năm thi sĩ, một Đào Tấn ông quan nghệ sĩ - người đã viết những câu thơ mênh mông xa rộng, cánh bằng vạn dặm, hoặc là mối lương duyên của ông đồ Nghệ với cô hàng nước mắm Gò Bồi sinh ra Xuân Diệu "hoàng tử của thơ tình", hoặc một nhóm thơ hội ngộ bạn bè trở thành hiện tượng văn học Bàn Thành Tứ Hữu với những tên tuổi vang dội trong nền thơ dân tộc đều có liên quan sâu xa đến truyền thống và sự va đập, hội ngộ giữa các nền văn hóa. Bốn dòng sông thơ mãnh liệt đã phát nguyên từ những chân trời và có một cuộc hợp lưu đầy thi vị trong tình bằng hữu chan chứa khiến mọi người đồng cảm ví với tứ linh: Long (Hàn Mặc Tử), Lân (Yến Lan), Quy (Quách Tấn) và Phụng (Chế Lan Viên). Mạch đập của vùng quê thượng võ có những lý lẽ riêng, bí ẩn và tự tin xác lập cho mình sự mặn mà bén duyên với thi sĩ, với thơ ca.

Nguồn mạch ấy, trong cơn oằn mình của lịch sử và văn hóa đã tạo nên các anh hùng và thi nhân, kết tụ của khí phách và kết tụ của sự mẫn cảm. Lấy ví dụ ở hai danh sĩ bản địa là Nguyễn Trọng Trì và Hồ Sĩ Tạo, chúng ta bắt gặp ở mức độ nào đó sự khúc xạ của thời thế đã tạo nên ánh hào quang trong nhân cách kẻ sĩ Bình Định, từ chốn công đường màn thêu trướng vóc sẵn sàng bước ra xả thân dưới cờ nghĩa.

Nguồn mạch ấy, theo cách nói của Chế Lan Viên, "đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc. Thơ cũng chuyển địa bàn, đi từ một nhiệm vụ này đến một nhiệm vụ khác, gần kề lịch sử hơn, gần kề chính trị hơn".

Hơn năm trăm năm của bốn ngàn năm, tiếp quản hồng cầu Hồng Lạc, dòng máu "miền đất võ" ròng ròng là dòng máu Việt ở miền Trung Tổ quốc, tài trí, vun bồi, văn hoa và kiến tạo. Vẫn là truyền thống Việt đại nghĩa chí nhân, người Bình Định đã đóng góp một cách quyết liệt phong vận của vùng đất phiên trấn, phên giậu xưa, vùng đất từng là kinh đô năm thế kỷ của các triều đại Chăm-pa, lại là kinh đô của hoàng đế Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn. Ở đó, trong lịch sử, có một mặt trận nông dân rộng rãi, khắp hang cùng ngõ hẻm, với những thời điểm bất kỳ là bộc phát cuộc đấu tranh: chống bọn cường hào xâm chiếm đất, chống thói nhũng nhiễu ức hiếp người dân thấp cổ bé miệng của bọn lý hương, chống địa chủ thu tô cao và cho vay nặng lãi… Kế hoạch học tập trui rèn võ nghệ đã có hiệu quả trong các cuộc đấu tranh trên, ở những thời điểm mà xã hội còn chìm trong tăm tối. Không chịu sống quỳ, ngẩng cao đầu mà đi tới, âm thầm dồn nén, khi có điều kiện là bùng nổ, nhiều khi hiệu ứng liên hoàn dẫn đến xốc dậy hàng loạt năng lượng tiềm ẩn của hàng loạt con người, đó phải chăng là một trong những phẩm chất của truyền thống thượng võ hun đúc từ lâu đời mà người Bình Định đã hàm chứa sẵn trong tính cách?                                                                    

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đất võ trời văn (tiếp theo)   (20/10/2004)
Đất võ trời văn  (19/10/2004)
Nơi định danh là Miền đất võ   (19/10/2004)
Roi Kinh, quyền Bình Định   (13/10/2004)
Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái  (12/10/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi) (tiếp theo và hết)   (07/10/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi) (tiếp theo)   (05/10/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi) (tiếp theo)   (03/10/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi) (tiếp theo)   (29/09/2004)
Phương pháp luyện tập, sử dụng côn (roi)   (27/09/2004)
Lời thiệu và những động tác minh họa bài quyền Ngọc Trản   (23/09/2004)
Lời thiệu và những động tác minh họa bài quyền Ngọc Trản   (21/09/2004)
Lời thiệu và những động tác minh họa bài quyền Ngọc Trản  (19/09/2004)
Võ cổ truyền: Nét đẹp muôn đời của người Bình Định  (17/09/2004)
Lời thiệu và những động tác minh họa bài quyền Ngọc Trản  (15/09/2004)