Trong các dòng võ nước ngoài du nhập vào Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng bằng nhiều con đường, nhiều dạng khác nhau, thì dòng võ Thiếu Lâm Tự (Trung Hoa) là nổi bật nhất.
Những thương nhân người Hoa, những nghĩa sĩ của các tổ chức phản Thanh phục Minh như: Thiên Địa hội, Bạch Liên giáo, Trung Nghĩa đoàn, Nghĩa Hòa đoàn… khi đến Bình Định mua bán, mở trường dạy võ đã trao đổi, học hỏi và giao lưu với võ cổ truyền Bình Định. Tiêu biểu nhất là hai dòng họ Lý và họ Diệp.
Lần tìm về cội nguồn võ thuật Trung Hoa, người ta hay đề cập đến Bắc phái và Nam phái, lấy dòng sông Trường Giang làm ranh giới. Võ phái phía bắc như vùng Sơn Đông, Hà Bắc… thiên về sự nhanh nhẹn, dũng mãnh, đánh trong diện rộng và thoáng. Ngược lại, Nam phái thiên về sự kín đáo, gọn gàng, có âm hưởng của thuật khí công, đòn thế thường phát triển ngắn, chú trọng đến kỹ thuật nhào lộn, tránh né, phù hợp với địa thế hẹp trong phòng nhỏ, đường hẻm…
Trong cuốn "Lược khảo võ thuật Trung Hoa", nhà nghiên cứu Từ Triết Đông cho biết: "Nam phái có các phái võ tiêu biểu như Thái Cực quyền, Bát Quái quyền, Hình Ý quyền… Còn Bắc phái đứng đầu là Thiếu Lâm, sau đến Tra Quyền, Bát Phiên, Trường Quyền, Địa Đường, Bát Cực… Sau này các môn võ thường ảnh hưởng lẫn nhau nhưng vẫn còn có khái niệm Bắc phái, Nam phái trong cùng một môn phái như: Thiếu Lâm Bắc phái chú trọng về các đòn (cước); còn Thiếu Lâm Nam phái chủ yếu về các đòn tay (quyền) bởi vậy mới có câu "Nam quyền, Bắc cước".
Võ thuật Trung Hoa thật ra đã du nhập vào Bình Định khá sớm. Sự có mặt của các viên tướng võ nghệ cao cường như: Tập Đình, Lý Tài (người Trung Hoa) chiến đấu trong hàng ngũ quân Tây Sơn là một bằng chứng.
Từ nửa đầu thế kỷ XIX dòng họ Lý, đứng đầu là ông tổ Lý Hùng từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) tìm đến vùng đất Tuy Phước để sinh cơ lập nghiệp và mở trường dạy võ, sau đó lại dời đến vùng đất Đập Đá - An Nhơn. Sau đó, Lý Hùng qua đời, các con cháu từ Lý Xuân Mưu, Lý Văn Hân, Lý Xuân Kinh đến Lý Xuân Tạo, Lý Xuân Hỷ, Lý Thành Nhân… đều nối nghiệp võ và đã đào luyện hàng trăm võ sư, võ sĩ qua các thế hệ, trong đó có nhiều võ sĩ đạt thành tích vô địch quốc gia. Võ sư Lý Xuân Tạo là một trong những võ sư góp phần quan trọng để sáng lập Hội võ thuật năm 1972 ở Bình Định. Hiện nay, các võ sư dòng họ Lý tiếp tục đào tạo các võ sĩ, võ sinh góp phần xây dựng vững chắc cho phong trào võ thuật của huyện An Nhơn.
Tiếp theo sau dòng họ Lý có dòng họ Diệp từ Trung Quốc đến định cư buôn bán và mở trường dạy võ ở vùng An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn). Đứng đầu là võ sư Diệp Trường Phát, tự Thoại Chi, tục danh Tàu Sáu. Ông sinh năm 1896 tại An Thái, Nhơn Phúc, cha là người Trung Hoa, mẹ là người Minh Hương.
Năm 13 tuổi ông được song thân cho về Trung Quốc học cả văn lẫn võ. Sau đó ông sang Hồng Kông học thêm võ nghệ. Sau 15 năm ông trở về An Thái, mở trường dạy võ và đã góp công đào tạo nhiều người nổi tiếng trong vùng như Chín Kỳ, Năm Tường, Phó Tuần Chẩn, Ba Phùng. Cùng các thế hệ tiếp theo có Quách Cang, Diệp Bảo Sanh (con ông Diệp Trường Phát), Tạ Cảnh Thâm…Võ sư Diệp Trường Phát và võ sư Hồ Nhu là hai cao thủ võ lâm lúc bấy giờ, đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi võ nghệ và kết quả cuối cùng phần thắng môn roi thường thuộc về Hồ Nhu, còn về quyền thuộc về Diệp Trường Phát.
Từ đó, Hồ Nhu mến phục tài của Diệp Trường Phát và đề tặng: "Thú vũ An Thái ngã vô song" (tức: Tay quyền An Thái không có hai). Và Diệp Trường Phát cũng rất kính nể đường roi tuyệt kỹ của Hồ Nhu nên tặng lại: "Đoản côn Thuận Truyền duy hữu chủ" (tức: Đòn roi Thuận Truyền chỉ có một).
Ngoài võ ra, Diệp Trường Phát còn là một lương y đã góp phần cùng các võ sư, danh y ở Bình Định thừa kế, sáng tạo nhiều bài thuốc võ gia truyền hoặc điều trị theo phương pháp bấm huyệt, xoa bóp không cần dùng thuốc.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, vùng đất An Thái và xa hơn nữa là các huyện An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, phong trào võ nghệ đã phát triển khá mạnh, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của võ sư Diệp Trường Phát. Theo tiến sĩ Mai Văn Muôn (Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT): Công tâm mà xét, Tàu Sáu đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa võ thuật lâu đời của cả vùng rộng lớn An Thái - An Vinh - Thuận Truyền - Kiên Mỹ - Cảnh Hàng - Vân Sơn - Háo Lễ - Văn Quang - Nước Mặn - Hữu Phát - Kỳ Sơn… vì nó có cùng gốc gác là võ Bình Định - Tây Sơn nửa sau thế kỷ XVIII, góp phần hình thành hệ thống quyền thuật của môn phái khá chặt chẽ, được xây dựng dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc Ngạnh công, được coi là nền tảng. Hầu quyền và Xà quyền thuộc Nhu công và Miên công, là phần xuất sắc cao diệu chỉ được truyền thụ khi đã luyện qua Hổ quyền và Long quyền.
Có thể nói đây là hai dòng họ tiêu biểu của các võ sư có gốc gác người Trung Quốc đến định cư ở Bình Định đã góp phần bồi đắp và làm phong phú thêm truyền thống võ cổ truyền Bình Định.
. Theo Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định
(còn tiếp)
|