Kỹ thuật căn bản của một số môn võ cổ truyền Bình Định:
Phương pháp luyện tập đôi chân và đôi tay trong môn quyền
16:3', 29/8/ 2004 (GMT+7)

Người xưa nói rằng: Học võ không phải để biết bài quyền, ngọn roi, thế đá là đủ, mà mục đích của học võ là nắm vững phương pháp luyện tập, tập đúng phương pháp theo chỉ dẫn của võ sư. Học võ không những chỉ để biết mà quan trọng là biết để sử dụng nó vào đúng mục đích đã chọn.

Đối với người học võ, đôi tay và bộ chân là vũ khí chủ lực và cực kỳ lợi hại để tự vệ và đánh trả đối phương. Nếu luyện tập công phu, có khoa học, có phương pháp đúng sẽ tạo ra sự hoàn thiện của đôi tay và đôi chân, làm cho nó tự chủ và biến hóa khôn lường.

* Phương pháp luyện tập về chân

- Tập ngựa: "Ngựa" là phần căn bản trọng yếu trong việc luyện tập võ công. Bởi vì "ngựa" phải mang thân thể của ta trong xê dịch, tránh né, lúc sang phải, khi qua trái, lúc tấn, lúc thối hoặc bám trụ để sử dụng thân pháp hay xuất phát khí lực... Các thế tấn (tức ngựa) là phần căn bản của chân. Do đó, ta cần chú tâm luyện tập công phu.

Ngựa trong võ có nhiều loại, ở đây ta chỉ tập một số loại cơ bản.

1. Ngựa Tứ Bình: Một loại ngựa cơ bản quan trọng. Ngựa Tứ Bình có thể gọi là "ngựa" cốt lõi, vì những "ngựa" này sau này là sự biến dạng của "Ngựa Tứ Bình".

- Lúc tập: Người đứng thẳng, hai bàn chân đặt sát nhau và song song. Ta dịch chuyển bốn lần như sau:

+ Lần 1: Tì hai góc chân vào mặt đất, xoay hai đầu bàn chân ngang với chiều vai.

+ Lần 2: Bấm hai đầu ngón chân cái vào mặt đất, banh hai gót chân ra ngoài và dừng lại ở vị trí hai bàn chân song song.

+ Lần 3: Tì hai gót chân vào mặt đất, xoay hai đầu bàn chân ngang với chiều hai vai lần nữa.

+ Lần 4: Bấm hai đầu ngón chân cái vào mặt đất, banh hai gót chân ra ngoài và dừng lại ở vị trí hai bàn chân song song.

+ Lần 5: Bây giờ ta ngồi xuống và dừng lại ở vị trí hai bắp vế ngang với gối.

CHÚ Ý: Trong lúc tập Ngựa Tứ Bình, xương sống phải giữ thẳng. Hai vai không nhúc nhích. Mắt nhìn thẳng về phía trước. Hai tay nắm cú chặt thủ vào hai bên hông. Răng hàm cắn chặt. Môi khép lại. Đầu lưỡi tì vào chân hàm răng trên. Chỉ thở bằng mũi. Khi tập, chú ý dồn trọng lượng vào chân bằng lối song trọng và đơn trọng.

2. Ngựa Kim Kê:

Bàn chân phải ở sau đặt nằm ngang, gối chân phải rùn thấp, trọng lượng toàn thân dồn về chân phải. Bàn chân trái ở trước duỗi xuôi và chấm đầu ngón chân cái xuống đất. Hai tay nắm cú thủ vào hai bên hông. Mắt nhìn thẳng về phía trước. Nên nhớ phải tập đều phía trái và phía phải và khi chuyển ngựa sang phía trái, phải chỉnh ngựa đúng với tư thế "Ngựa Kim Kê".

3. Ngựa Chữ Đinh:

Cách đứng ngược với "Ngựa Kim Kê". Bàn chân trái ở trước đặt nằm ngang (mũi bàn chân hướng về phía tay phải), gối trái rùn thấp xuống, chân phải ở sau chõi thẳng, đầu các ngón chân phải hướng thẳng giữa cạnh trong bàn chân trái ở vị trí trực giao.

Trọng lượng toàn thân, lúc đầu dồn về chân trái, lúc dồn về chân phải. Hai cú tay thủ vào hai bên hông. Mắt nhìn thẳng về phía trước.

4. Ngựa Bát Quái:

Một biến dạng của "Ngựa Tứ Bình". Ta trụ "Ngựa Tứ Bình", sau đó xê dịch đầu bàn chân trái sang trái và vai trái cũng chuyển dịch theo. Trọng lượng toàn thân dồn vào chân phải sau nhiều hơn (khoảng bảy phần). Hai cú tay thủ vào hai bên hông. Mắt nhìn thẳng về phía trước. Tập phía trái xong, ta chuyển sang tập phía chân bên phải.

5. Ngựa Định Thân:

Trụ "Ngựa Tứ Bình". Sau đó, bấm giữ đầu hai ngón chân cái vào mặt đất, chuyển dịch hai gót chân vào phía trong và đưa dần ra phía trước mặt đến khi hai gót chân và hai đầu ngón chân cái thẳng hàng nhau (nằm trên một đường thẳng). Nghĩa là hai bàn chân nằm ngang theo chiều hai vai và ngực. Hai cú tay thủ vào hông. Mắt nhìn thẳng về phía trước.

6. Tọa ngựa:

Trụ "Ngựa Tứ Bình", sau đó ép sát hai gối lại, đầu hai ngón chân cái xê dịch ra phía ngoài, ngồi sát xuống đất, hai mông đít hơi kề sát vào hai gót chân. Hai đầu gối phải sát mặt đất.

Trọng lượng toàn thân dồn vào hai ngón chân cái. Nhớ phải tập theo cách "đơn trọng" và "song trọng". Hai cú tay thủ vào hai bên hông. Mắt nhìn thẳng về phía trước.

7. Ngựa Độc Cước:

Trụ "Ngựa Tứ Bình". Một chân co lên, gối ngang với vế, bàn chân dưới thẳng và đặt song song với vế chân trụ. Trọng lượng toàn thân dồn về chân trụ. Hai cú tay thủ ngang hông. Mắt nhìn thẳng về phía trước.

Chú ý: Tập đều hai bên trái và phải.

8. Ngựa đôi:

Một kiểu "ngựa" dùng để di chuyển. Đứng "Ngựa Kim Kê" hay "Bát Quái". Đứng chân trái trước, chân phải sau hay ngược lại. Khi tập luyện, đưa chân sau đến sát chân trước, đồng thời rút chân trước rút về phía trước. Khi lui ra, rút chân trước về sát chân sau, đồng thời chân sau xê dịch về sau. Tương tự khi sang trái hay phải. Bỏ chân trước qua thì kéo chân sau theo, hoặc tránh chân sau qua phải thì kéo chân trước theo. Trong luyện tập nên nhớ "Đi như lá", "Đứng như đá". Hai tay thủ quyền kín, chỉnh "ngựa" cho thích hợp với tư thế "ngựa" mới.

9. Ngựa Âm-Dương:

Đứng như "Ngựa Định Thân" sau đó đưa bàn chân trái đặt trước bàn chân phải. Khoảng cách giữa hai bàn chân khoảng 30 cm. Hai tay vẫn thủ ngang hông. Mắt nhìn thẳng về phía trước.

. Theo Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kỹ thuật căn bản của một số môn võ cổ truyền Bình Định: Nhãn pháp và Khí pháp  (26/08/2004)
Kỹ thuật căn bản của một số môn võ cổ truyền Bình Định: Tấn pháp (tiếp theo)   (23/08/2004)
Cây đại thụ đất võ Tây Sơn  (22/08/2004)
Phương pháp chữa trị chấn thương, không dùng thuốc võ   (15/08/2004)
Y học trong võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)   (13/08/2004)
Y học trong võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)   (13/08/2004)
Y học trong võ cổ truyền Bình Định   (09/08/2004)
Kỹ thuật căn bản của một số môn võ cổ truyền Bình Định   (30/07/2004)
Kỹ thuật căn bản của một số môn võ cổ truyền Bình Định  (28/07/2004)
Võ thuật Bình Định (tiếp theo)  (25/07/2004)
Võ thuật Bình Định  (22/07/2004)
Võ đạo của võ cổ truyền Bình Định   (21/07/2004)
Võ lý của Võ cổ truyền Bình Định (tiếp theo)   (20/07/2004)
Võ lý của võ cổ truyền Bình Định   (19/07/2004)
Nội dung cơ bản võ cổ truyền Bình Định  (18/07/2004)