Tập về tay là cách tập luyện đôi cánh tay và đôi bàn tay trong đánh võ. Luyện tập để có đôi bàn tay nhanh nhẹn, biến hóa linh động, rắn chắc... Muốn được như vậy, cần phải ra công luyện tập đúng phương pháp và khoa học. Có đôi bàn tay làm khí giới đa dạng thì trong tự vệ, chiến đấu phần chủ động có thể thuộc về ta.
* Tập phần bàn tay:
Đôi bàn tay là một khí giới đa dạng trong đánh võ vì lúc dùng quyền, khi dùng trảo, lúc đánh chưởng, khi dùng chỉ..., người có võ công cơ bản biết phối hợp, tập luyện và sử dụng đôi bàn tay thì thật là đáng sợ.
1. Tập quyền:
"Quyền" là nắm tay, tập hai nắm quyền, ta phải nắm bàn tay thật chặt, ngón cái ép sát vào đốt giữa của ngón trỏ và ngón giữa.
Trong tập luyện, ta nên xòe bàn tay ra rồi nắm cú lại thật chặt. Ta tập nhiều lần trong mỗi bài tập. Những lần sau nắm chặt hơn những lần trước. Khi tập, ta nên tì hai chỏ vào hông để luyện tập nắm quyền.
2. Tập Cương Đao:
Bàn tay xòe thẳng, ngón cái cong, ép vào lòng bàn tay, bốn ngón tay kia xếp kín lại. Lúc luyện tập, ta nắm chặt, đấm, xỉa vào các vật mềm rồi dần dần đến vật cứng.
Nên nhớ không gây chấn động nhiều ở các đầu ngón tay.
3. Tập Trảo:
Bàn tay xòe ra, năm ngón tay hơi cong, vươn tới trước. Bàn tay có 5 ngón nên gọi là "Ngũ Trảo". Khi tập ta nên dồn lực vào đầu năm ngón tay.
4. Tập Chưởng:
Bàn tay xòe ra, lòng bàn tay hướng về trước, ngón cái tách riêng hướng thẳng lên trên, bốn ngón khép kín, hơi cong. Lực phát ra dồn ở lòng bàn tay.
5. Tập Chỉ:
Chỉ là cách luyện tập và sử dụng các ngón tay. Ta thường dùng "đơn chỉ" và "hợp chỉ".
a) Tập Đơn chỉ: Tập "Đơn chỉ" là tập ngón cái và ngón trỏ.
- Luyện tập ngón cái: Nắm cú tay thật chặt. Ngón cái chỉ thẳng tới trước và ép sát vào đốt giữa của ngón trỏ. Lực phát ra dồn ở đầu ngón tay cái.
- Luyện tập ngón trỏ: Ngón trỏ chỉ thẳng tới trước, ba ngón: giữa, đeo nhẫn và út nắm lại, ngón cái ép sát vào đốt tay ngón giữa và nắm chặt lại. Lực phát ra dồn vào đầu ngón tay trỏ. Đơn chỉ thường gây chấn thương ở các chỗ nhỏ, hẹp và mềm...
b) Tập hợp chỉ:
"Hợp chỉ" là cách tập phối hợp để tạo lực ở các ngón tay hay một vài nơi trên bàn tay. Hợp chỉ có nhiều cách, ở đây ta chỉ tập một số "Chỉ" cơ bản thường dùng.
- Tập Xà thao: Bốn ngón: trỏ, giữa, đeo nhẫn và út khép kín, hơi cong "Chỉ" ra trước, ngón cái chỉ thẳng ra trước, mặt trong ngón cái hướng vào lòng bàn tay như miệng con rắn đang há. Lực phát ra, lúc dồn vào ngón cái, lúc dồn vào đầu bốn ngón, lúc phân đều ở các ngón để chụp, kẹp, giữ.
- Tập Long giác: Ngón đeo nhẫn, ngón út và ngón cái gập lại, ép chặt. Hai ngón trỏ và giữa tách thành hình chữ V. Lực dồn ở hai ngón trỏ và giữa.
- Tập Hố trảo: Năm ngón tay cong đều, hơi hở ra như năm móng cọp. Lực phát ra dồn đều ở năm đầu ngón tay, chỉ này dùng để chụp, cấu, xé...
Hoặc ngón cái cong lại, ép sát vào lòng bàn tay, bốn ngón kia khép kín cong lại, tì bốn đầu ngón tay vào ngón cái, siết chặt lại hoặc đôi khi nhô đốt thứ nhất của ngón giữa cao hơn. Chỉ này, lực phát ra dồn ở đầu đốt thứ nhất của ngón giữa.
- Tập Hạc chỉ: Năm ngón tay chúm lại, các đầu ngón tay bằng nhau duỗi thẳng ra trước. Lực phát ra dồn ở điểm chúm của năm đầu ngón tay hay phần đốt xương nhô lên ở mu bàn tay của ngón trỏ.
- Tập Hầu chỉ: Bàn tay dựng đứng thẳng góc với đầu xương trụ và xương quay, năm ngón tay khép kín và cong lại.
Hoặc bàn tay để nhô phần cổ tay và mu bàn tay. Lực phát ra ở chưởng này là phần tiếp giáp ở cổ tay và hai gò bàn tay hay phần cổ tay và mu bàn tay, sau mới dồn đến các "Chỉ".
* Tập đôi cánh tay:
1. Tay Bắt, Chần căn bản:
Trụ "Ngựa Tứ Bình". Hai cú quyền thủ ngửa vào hông. Sau đứng ngựa thủ quyền tập Bắt, Chần.
- Tập Bắt - Chần thượng bộ:
Trụ "Ngựa Tứ Bình" thủ quyền vào hông, tay phải thủ yên nơi hông, tay trái đưa úp lên ngang tai bên phải rồi vặn ngửa tay ra hắt đến ngang tai bên trái thì dừng lại. Bàn tay có thể nắm quyền hay dùng chỉ, cạnh xương trụ ở ngoài (BẮT).
Tiếp đến, úp ngón tay lại, đưa qua tai bên phải. Lúc va chạm nơi cạnh bàn tay hay cạnh xương trụ (CHẦN). Tiếp đến, thủ tay trái lại nơi hông rồi tập tay phải BẮT, CHẦN như tay trái. Sau đó, đứng "Ngựa Kim Kê" thủ quyền tập BẮT, CHẦN.
BẮT CHẦN trung bộ:
Vẫn tư thế "ngựa" như trên, tay phải thủ nơi hông, tay trái đưa úp lên ngang vai bên phải rồi lật ngược lại đến khỏi hông trái thì dừng lại, bàn tay dùng Hổ trảo (BẮT)
Giữ nguyên tư thế BẮT, đưa úp tay qua hông bên phải. Điểm va chạm là mu bàn tay phần mặt trên của xương trụ và xương quay.
2. Tập Ngũ Hành Tay:
a) Tập Ngọn Kim Đâm: Trụ "Ngựa Tứ Bình". Hai tay thủ ngửa ở hai bên hông. Đưa tay phải lên, bắt qua bên tai phải. Bấy giờ tay trái đưa xoáy ra trước, đồng thời tay phải giật chõ về sau. Thủ quyền lại ngang hông.
Tay trái lại tiếp tục bắt lên và dừng lại ngang tai bên trái, tay phải lại đâm xoáy ra trước, tay trái giật chõ về sau. Thủ quyền ngang hông.
. Theo Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định |