Trong các bộ môn về quyền thuật của võ cổ truyền Bình Định, không thể không đề cập đến bài quyền "Ngọc Trản" bởi lẽ đây là "bài ruột" mang đầy đủ các yếu tố cơ bản và là một trong những bài chính thống, tiêu biểu, được tất cả các môn phái trong tỉnh truyền dạy và phổ biến rộng rãi trong nhân dân từ xưa đến nay.
Bài quyền Ngọc Trản có lối đánh công phu, toàn diện, kín đáo, chắc đòn, kết hợp nhu cương đúng lúc, đúng chỗ. Lại có những thế né tránh, phản đòn rất lợi hại. Di chuyển nhẹ nhàng, nhanh nhạy, linh hoạt, khi trụ ngựa và ra đòn thì vững chắc và mạnh.
Bộ tay ra đòn mạnh, nhanh, chính xác, có lúc vờ như thủ để đánh lừa đối phương, hay dụ đối phương với thế vây hãm để tiêu diệt theo dạng "Hư hư thực thực".
Đặc biệt vừa qua, Ban nghiên cứu (Sở TDTT Bình Định) cũng đã phát hiện một số tư liệu cổ đều có ghi tên bài thiệu về quyền "Ngọc Trản". Để góp phần làm sáng tỏ và đi đến thống nhất tên gọi, lời thiệu với từng động tác một cách chuẩn xác hơn, chúng tôi xin giới thiệu cụ thể bài quyền Ngọc Trản.
Qua bài thiệu cổ mới phát hiện của bài Ngọc Trản, ta nhận thấy tính liên hoàn âm-dương được xuyên suốt.
Ví dụ như: Hoành Tả, Tọa, Bạch xà lan hổ.
Thì: Hữu hoành sát, Thanh long biên giang, Phụ tử tương tùy
Và: Hoành hữu, tọa, bạch xà lan lộ,
Thì: Tả hoành sát, Thanh long biên giang, Phụ tử tương tùy.
So sánh các bài thiệu cổ mới phát hiện với bài thiệu đã lưu hành hiện nay có một vài chỗ khác biệt. Có lẽ người đời sau đã ghi nhầm, hay tam sao thất bổn.
Ví dụ: Hoành Tả, Tọa, bạch xà lan lộ.
Thì lại: Tả hoành sát, Thanh long biên giang.
"Hoành Tả" và "Tả Hoành" không mang tính âm-dương, ngũ hành của người xưa về cách cấu trúc một bài võ trong võ cổ truyền Bình Định.
Qua thời gian, bài quyền Ngọc Trản vẫn sáng chói như một chén ngọc. Số vốn quý võ công đã được gói ghém trong đó cũng được lưu truyền cho những người có đạo đức tốt, có tấm lòng vì con người, vì nền võ học của dân tộc.
Ngọc Trản còn có nghĩa: "Ngọc" là sự trong sáng, trung thực, phản chiếu sự vật được thể hiện ý niệm, trí tuệ. "Trản" là san bằng mọi chướng ngại mang tính đối phó ở giai đoạn đầu, tức hóa giải và có hài hòa ở giai đoạn cuối được thể hiện ở tay, chân và thân mình. Trong đó dĩ nhiên cần phải tính đến công sức luyện tập tinh nhuệ của thể chất, ý thức được thống nhất thành một ý niệm duy nhất. Ý niệm đó chuyển toàn bộ như tính thuần khiết của viên ngọc. Đó là một bí quyết luyện tập của lối quyền âm-dương trong Ngọc Trản công.
a) Nội dung bài thiệu cổ về quyền "Ngọc Trản" được trích trong tập tư liệu Hán-Nôm được phát hiện tại từ đường dòng họ Trương ở xã Mỹ Hòa-Phù Mỹ do ông Trương Đức Hồng cung cấp, ông Phạm Đình Phong sưu tầm.
* Phần Phiên âm:
1. Ngọc Trản ngân đài.
2. Tả, hữu tấn khai thập tự.
3. Luyện diệp liên hoa.
4. Đả sát túc, tọa, hồi mai phục.
5. Tấn đả tam chiến
6. Thoái thủ nhị linh.
7. Hoành tả, tọa, bạch xà lan lộ.
8. Hữu hoành sát thanh long biên giang.
9. Phụ tử tương tùy.
10. Hoành hữu, tọa, bạch xà lan lộ.
11. Tả hoành sát thanh long biên giang.
12. Phụ tử tương tùy.
13. Hồi tàng địa hổ.
14. Song phi, quyển dực.
15. Hạ bàn đoản đả.
16. Hồi, tiểu tọa khai cung.
17. Huỳnh long quyển địa.
18. Tấn, đả song quyền.
19. Hoành tả, phục hạc khai linh.
20. Trực tiền quyển địa.
21. Tấn, đả song quyền.
22. Hoành hữu, phục hạc khai linh.
23. Trực tiền quyển địa.
24. Tấn, đả song quyền.
25. Hướng, hậu đả thập tự.
26. Diện tý.
27. Hồi, tẩu mã giang tiên.
28. Bái tổ, lập như tiền.
* Dịch nghĩa:
1. Chén ngọc đài vàng.
2. Tiến, mở thế chữ thập bên trái và bên phải.
3. Chọn lá liền hoa.
4. Đánh sít chân, tọa thế "hồi mai phục".
5. Tiến, đánh ba bận.
6. Lui, hai tay sắc sảo.
7. Xoay trái, tọa thế "Bạch xà lan hộ" (con rắn trắng qua đường cỏ).
8. Chém ngang bên phải bằng thế "thanh long biên giang" (con rồng xanh trên sông bên).
9. Thế cha con nương tựa nhau.
10. Hoành bên phải, tọa thế "Bạch xà lan hộ" (con rắn trắng qua đường cỏ).
11. Hoành bên trái quét thế "thanh long biên giang" (con rồng xanh trên sông bên).
12. Thế cha con nương tựa nhau.
13. Trở về thế rắn hổ đất núp.
14. Đá song phi (hai chân bay) rồi thế chim cuốn cánh.
15. Đánh vắt mâm dưới.
16. Về, tọa, xổm mở cánh cung.
17. Thế rồng vàng cuốn đất.
18. Tiến đánh hai đấm.
19. Xoay trái, thế "phục hạc khai linh" (chim hạc giúp phơi cánh).
20.Thế cuốn đất, đánh thẳng phía trước.
21. Tiến đánh hai đấm.
22. Xoay phải, thế "phục hạc khai linh" (chim hạc giúp phơi cánh).
23. Thế cuốn đất, đánh thẳng phía trước.
24. Tiến đánh hai đấm.
25. Chuyển phía sau đánh thế chữ thập.
26. Mặt nhìn hướng tý (hướng Bắc).
27. Trở về thế "tẩu mã giang tiên" (ông tiên ruổi ngựa trên sông).
28. Vái tổ, đứng như trước.
b) Những động tác trong bài quyền Ngọc Trản:
- Đứng theo tư thế dịch cân, thủ môn hiệu theo võ Bình Định, lễ tổ, mắt nhìn thẳng ra phía trước.
- Ở bộ vị (xem ảnh H.1), trụ ngựa theo tư thế ngựa tứ bình. Hai mắt nhìn thẳng về phía trước.
- Ở bộ vị (xem ảnh H.2), dương quyền ở hai tay trái và phải ở bộ vị, xòe hai chưởng, sau đó tay phải theo dương chưởng, tay trái theo âm chưởng, áp sát vào nhau thủ sát nơi chấn thủy. Bái tổ. Hai mắt nhìn thẳng.
. Theo Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định
(còn tiếp) |