Nếu Bóng ngày qua (Nxb. Hội Nhà văn 1999) vốn được Quách Giao sưu tầm và biên soạn từ những tập hồi ký mà Quách Tấn dành để viết về đời mình và công việc làm thơ của mình: Đời tục lụy, Đời văn chương, thì đến Hồi ký Quách Tấn (Nxb. Hội Nhà văn, quý III năm 2003) lại tập hợp những hồi ức về những nhân vật mà tác giả quen biết trong giới văn chương. Có thể đó là những người mà tác giả kính trọng gọi bằng hai tiếng tiên sinh, tuy chưa được thọ giáo trực tiếp mà chỉ học qua sách vở nhưng tác giả đã xem như một người lãnh đạo tinh thần và "lấy đó mà tự kỳ" (Phan Bội Châu); hay như bậc tiền bối Tản Đà, song đã sớm coi tác giả như người bạn vong niên, và gọi bằng hai tiếng cố nhân. Đó cũng là những bạn văn, bạn thơ đã sẻ chia cùng tác giả những suy nghĩ, trăn trở trong cuộc đời cầm bút: Bích Khê, Tương Phố, Đông Hồ, Phan Văn Dật, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê.
Người ta bắt gặp ở đây, trong tập sách này, phác họa, đôi khi chỉ là những nét chấm phá, của tác giả về những con người mà chúng ta vốn đã quen tên. Điểm xuyết bên cạnh những chi tiết đầy sức gợi về cốt cách và cá tính là những cảm nhận, nhận định của tác giả về sự nghiệp văn chương của họ. Khác với những bài phê bình thuần túy, đây chỉ là những cảm nhận của tác giả khi gặp những hồn thơ đồng điệu. Cái đáng quý là ở chỗ, tác giả đã lấy tâm hồn của một nhà thơ vốn hãy còn mang nhiều âm hưởng Đường - Tống, để thấu nhập cái hay, cái đẹp của những Giọt lệ thu, Mưa gió sông Tương, thơ Tương Phố hay Đông Hồ, Giản Chi… Ở bài viết Tâm tư Tản Đà trong thơ in sau những ký ức về Tản Đà, tác giả đã đi sâu phân tích sự phức tạp trong hồn thơ Tản Đà do tiếp nhận nhiều luồng ảnh hưởng có khi trái ngược nhau và đưa ra những đánh giá xác đáng về một nhà thơ đã "gây một ảnh hưởng lớn trong làng văn thơ Việt Nam ở đầu thế kỷ XX" (trang 86).
Đặc biệt, trong cuốn hồi ký này, đã in trọn tập sách nhỏ của tác giả viết về Đời Bích Khê, vốn đã được tác giả viết vào những năm 60 của thế kỷ trước và đã được Lửa thiêng xuất bản tại miền Nam năm 1971. Tập sách chia làm bốn phần: Những quãng đời, Những cuộc tình duyên, Đời thơ và Chút tình riêng. Đúng như nhận xét của tác giả, sự phân chia như vậy phần nào làm cho tập sách không được nhất trí; nhưng đọc hết cả tập, ta như không chỉ hiểu thêm về Bích Khê, một ánh sao băng ngắn ngủi nhưng chói lọi của thi ca Việt Nam tiền chiến, mà qua những kỷ niệm ngọt ngào ấy, ta còn cảm nhận không khí văn chương buổi ấy, cũng như những tình cảm bè bạn, kỷ niệm văn chương của các nhà thơ Bình Định: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Bích Khê, Yến Lan. Cái quan trọng, là chúng ta không chỉ là hiểu một cách tương đối đủ đầy về cuộc đời một nhà thơ mà là cảm nhận những nét tế vi trong tâm hồn người thơ này, để từ đó, thấu cảm sâu hơn về một đỉnh núi lạ (chữ của Chế Lan Viên) trong thơ ca Việt Nam. Quách Tấn viết: "Thơ Khê chuộng cốt cách, thơ Tử chuộng tiết điệu. Nói theo kiểu mới thơ Khê là Điêu khắc, thơ Tử là Âm nhạc. Cho nên đọc thơ Khê phải để ý từng cái phết, cái chấm phết… từng chỗ ngắt câu xuống hàng. Còn thơ Tử thì nhạc đi trước, lời đi sau rồi ý đi sau rốt. Cho nên đọc thơ Tử đừng chấp ý mà hại lời, đừng chấp lời mà hại nhạc. Do đó thơ Khê phải đọc kỹ mới nhận thấy cái đẹp cái hay, còn thơ Tử nghe qua là thích, lắm lúc không cần tìm hiểu Tử muốn nói gì" (trang 227).
Những trang viết về Nguyễn Hiến Lê, một học giả có sự nghiệp trứ tác đáng kể, cũng vậy. Nguyễn Hiến Lê đối với Quách Tấn "là một lò lửa hồng trong đêm đông mưa gió" (trang 401). Không đi sâu vào sự nghiệp trứ tác của học giả này, bởi sự nghiệp đó đã quá rõ ràng với 122 tác phẩm để đời, Quách Tấn chỉ đi sâu vào tâm hồn tế nhị và nhạy cảm, điều khó gặp ở một nhà biên khảo. Bên cạnh đó, đoạn trích từ những bức thư giữa đổi trao giữa tác giả và học giả Nguyễn Hiến Lê sẽ là tư liệu quý cho những ai có ý định tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cùng những băn khoăn trăn trở của người trí thức chân chính này.
Ẩn đằng sau mỗi dòng chữ, trang viết, ta như thấy hiện lên hình ảnh một người bạn Quách Tấn, biết chắt chiu và trân trọng từng kỷ niệm với bạn bè, dù nhỏ, và biết giữ gìn di sản tâm linh của bè bạn.
. Khải Nhân
(*) Đọc Hồi ký Quách Tấn, Nxb. Hội Nhà văn, quý III năm 2003.
|