Trong sự bộn bề (nếu chưa nói là bội thực) của thơ ca hiện nay thì sự xuất hiện cùng lúc hai tập thơ và trường ca thật dày dặn của nhà thơ Lệ Thu cũng không có gì đặc biệt. Thế nhưng khi lần giở từng bài, từng chữ ta mới thấy được nỗi lòng tác giả luôn đau đáu với quê hương trong suốt hành trình của cuộc đời mình.
Ở tập "Khoảng trời thương nhớ" do Hội VHNT Bình Định xuất bản gồm 42 bài thơ và một trường ca dài được sắp xếp thành ba phần, đã thể hiện rõ nét những tình cảm ấy.
Phần I "Khúc hát rừng dừa" gồm 17 bài thơ, phần lớn được viết trong những năm cuối của cuộc chiến tranh đánh Mỹ. Nhiều bài thơ như"Mái tranh An Lão", "Khúc hát rừng dừa", "Hoài Châu", "Chiếc khăn tay màu trắng"... thể hiện tinh thần anh dũng kiên trung của con người và quê hương Bình Định trong những ngày gian khổ ác liệt của cuộc chiến tranh.
Không tặng nhau bằng những chiếc khăn tay
Sao kỷ niệm trong lòng thân thiết quá
Đêm vượt đường âm thầm hối hả
Một chiếc khăn màu trắng dẫn ta qua
Vườn lạnh băng, không bóng một ngôi nhà
Những làng trắng trong màu đêm nhấp nhóa
Ta men bước phập phồng trên đất lạ
Bỗng yên lòng vì một chiếc khăn tay...
(Chiếc khăn tay màu trắng)
Chúng ta đã từng biết đến những nữ thanh niên xung phong ở Trường Sơn, trong đêm đen, khoác khăn trắng dẫn đoàn xe qua lửa đạn. Hình ảnh này đã được thể hiện khá nhiều trong thơ ca chống Mỹ. Còn ở bài thơ này của Lệ Thu là chiếc khăn tay màu trắng của cô giao liên vùng sâu Bình Định, ít nhất nó cũng trở thành điểm tựa cho tác giả trong suốt cuộc đời:
Dẫu mai sau đời tràn ngập ánh ngày
Màu trắng ấy trong lòng ta vẫn sáng
Chiếc khăn đêm nay trên màu tóc bạn
Sẽ soi tôi đi trọn cuộc đời.
(Chiếc khăn tay màu trắng)
Có thể nói Lệ Thu là một người thật tinh tế và nhạy cảm. Cái nhạy cảm ấy không chỉ của một nhà thơ mà còn của một người mẹ, người chiến sĩ trực diện với những đau thương mất mát mà quân thù trút xuống quê hương:
Quê hương ơi
Người vẫn đứng thẳng mình
Dù từng ngày máu đổ
Ấp chiến lược, trại tập trung
Pháo chụp pháo bầy
Và thuốc độc, na-pan,
Rằn ri từng đàn "mãnh hổ"...
Vành đai trắng thắt lòng cơn nắng xế
Xóm làng xưa cỏ mọc hoang tàn
Không một tiếng ru hời
Không một chuyến đò ngang..
Quê hương Bình Định trong những ngày khói lửa đã được nhà thơ Lệ Thu khắc họa khá đậm nét qua trường ca "Quê hương" chiếm trọn phần II của tập sách.
Từ nỗi nhớ miền Nam, nhớ quê Bình Định, nhớ câu hò giã gạo đêm trăng đến "Đường về" với:
Hai mươi năm lửa chiến trường
Hai mươi năm một nẻo đường về quê...
(Quê hương)
Hình ảnh Bình Định hiện lên trong suốt trường ca Quê hương như một thiên phóng sự sinh động, đầy màu sắc hiện thực với những tiếng pháo, những "đêm vượt đường" cùng "Đồng đội" về "Vùng trắng Khu Đông", "bám đất bám làng mà đánh giặc". Tiếng gọi "Quê hương" được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong suốt trường ca. Nó như tiếng gọi reo vui của người con sau bao ngày xa cách, như tiếng kêu thắc thỏm của người mẹ trước cảnh đòn thù giáng xuống những đứa con yêu, và có lúc nó như tiếng gọi kiêu hãnh của cả một thế hệ, một thời đại.
Phần cuối cùng của tập sách có tên gọi "Nơi mẹ đứng" với 25 bài thơ gắn với hơi thở của quê hương Bình Định những ngày đầu giải phóng.
Cũng giống như bao miền quê khác của miền Nam sau chiến tranh là cảnh đoàn tụ vui mừng với cuộc sống hồi sinh sau từng ngày,từng tháng được thể hiện qua các bài như: Đoàn tụ, Làng ven sông, Vùng trắng bây giờ, Màu xanh cây lúa... Và dẫu cho vết thương chiến tranh đang ngày càng liền da thắm thịt,cuộc sống hồi sinh thì tâm hồn của tác giả vẫn luôn sâu nặng với quá khứ và suy tư trước hiện tại. Bởi chị vẫn nghĩ:
Cả một đời ta mắc nợ lòng ta
Ta mắc nợ màu xanh cây lúa
Ta mắc nợ bao cuộc đời góa bụa
Nợ các em thơ, nợ những con đường
Nợ các đồng chí hôm qua ngã xuống chiến trường...
(Màu xanh cây lúa)
Vâng! Vì "cái nợ" không bao giờ trả hết ấy mà tất cả chúng ta - những người đang sống và hưởng quyền độc lập tự do hôm nay càng thấy trách nhiệm nặng nề hơn. Đây cũng là nội dung chính trong tập thơ "Tri kỷ" của nhà thơ Lệ Thu do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. 38 bài thơ trong tập "Tri kỷ" có mạch nối từ "Khoảng trời thương nhớ". Cái mạch nối ấy là sợi dây gắn quá khứ, với máu xương của bao người với hiện tại và tương lai. Và cũng từ sợi dây quyện chặt với quá khứ ấy mà Lệ Thu vẫn không thôi suy tư trăn trở trước thực tại:
Bao năm dài nặng gánh
Mong đến hồi nghỉ ngơi
Về hưu ngỡ thảnh thơi
Lại thấy lòng canh cánh
Bao nhiêu là nghịch cảnh
Cứ tưởng rằng đã qua
Lòng người như mưa nắng
Thương ai không mái nhà...
(Về hưu)
Đọc thơ Lệ Thu, ta thấy cái tình của nhà thơ luôn sâu nặng với đất và người Bình Định; luôn chung thủy với quá khứ và suy tư trước hiện tại. Cái tình ấy, cái suy tư ấy thể hiện ở nhiều bài thơ hay trong hai tập, song cũng có số ít bài với những câu thơ ít lạc quan do nhiều lo âu trăn trở. Phải chăng đây là mặt tốt mà cũng là hạn chế của không riêng nhà thơ Lệ Thu mà của nhiều nhà thơ khác luôn cánh cánh bên lòng những lo toan vì sự đi lên của quê hương, đất nước?
. Mai Thìn
|