Người Bình Định nói riêng, người Nam Trung Bộ nói chung, ít nhiều đều biết đến chàng Lía qua "Vè chàng Lía" nói về cuộc khởi nghĩa của chàng Lía đứng lên chống lại bọn phong kiến ở thế kỷ XVIII - thế kỷ bão táp của phong trào nông dân khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa của chàng Lía thất bại và chàng Lía đi vào tâm thức dân gian.
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.
Bài ca dao có nét chung của bộ phận ca dao có mô típ "chiều chiều..." trong kho tàng ca dao cả nước, nhưng cũng có nét riêng của nó. Mô típ "chiều chiều" thường diễn tả nỗi buồn, thương... của nhân vật trữ tình. Đây là thời gian không phải là lúc chiều quá trưa mà là buổi xế bóng, khoảng hoàng hôn. Thời gian nghệ thuật đó có khả năng diễn đạt một trạng thái tâm hồn của nhân vật trữ tình luôn mang cảm xúc buồn, nhớ, thương.
Có thể đó là "chiều chiều nhớ bạn..."
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau
Có thể đó là "chiều chiều buồn thương..."
Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi
Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương
Có thể đó là "chiều chiều đau đớn..."
Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mộ mẹ ruột đau như dần
Và có thể là "chiều chiều oán trách..."
Chiều chiều vịt lội bờ mương...
Anh chê cũng phải vì chưng em nghèo
Có thể dẫn ra đây nhiều "chiều chiều" buồn, nhớ thương khác. Nét chung của bộ phận ca dao có mô típ "chiều chiều" mở đầu này có thể mô hình hóa như sau: Câu lục: chiều chiều + hành động 1; Câu bát: hành động 2. Trong đó: chiều chiều + hành động 1 = câu lục, là nguyên nhân hoặc là bước chuẩn bị; và hành động 2 là kết cục. Thông báo chính được chứa đựng trong hành động 2 = câu bát, còn "chiều chiều" là môi trường cho các hành động.
Trở lại bài ca dao về chàng Lía, câu ca này cũng nằm trong mô típ "chiều chiều..." với ý nghĩa của mô típ như đã nêu trên. Đó là tình cảm buồn, nhớ, thương. Như vậy, câu ca này thể hiện tình cảm buồn, thương, nhớ về chàng Lía (Cảm thương chú Lía bị vây trong thành).
Đây là nét chung của mọi bài ca dao về "chiều chiều"
Còn nét riêng của bài ca dao này là gì?
Trước hết, tình cảm ở câu ca dao "chiều chiều" thường là tình cảm của nhân vật trữ tình đối với đối tượng trữ tình ở số ít như chàng với nàng, anh với em, con với mẹ. Còn ở câu ca dao về chàng Lía là tình cảm của nhân dân nói chung đối với một con người cụ thể (chàng Lía).
Nét riêng của bài ca về Lía là sự xuất hiện cụ thể của địa danh (Truông Mây), và của nhân danh (chú Lía) làm cho tình cảm buồn, thương, nhớ ở đây có tính chất cụ thể, xác định. Đó là tình cảm của nhân dân Bình Định. Nhân dân Nam Trung Bộ này thương nhớ, biết ơn người anh hùng dân gian chàng Lía "Cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo" một thời. Cuộc khởi nghĩa của chàng Lía là bước chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa bão táp của 3 anh em Tây Sơn sau này.
Có những câu ca "chiều chiều..." khác cũng có địa danh như:
Chiều chiều mây phủ Ái Vân
Chim kêu gành đá gẩm thân thêm buồn...
Chiều chiều ra đứng núi Bà
Núi Bà thì đó, nào nhà em đâu?
Nhưng là để diễn đạt một tình cảm chung, với một đối tượng trữ tình rất chung của nhiều người, không có được nét riêng, hướng về đối tượng trữ tình cụ thể như bài ca về Lía ở đây.
. Trần Xuân Toàn |