Hà Chí Hiếu và khúc hát quê hương
16:11', 14/10/ 2003 (GMT+7)

Hà Chí Hiếu qua nét vẽ Viết Hiền.

Tham gia sáng tác từ lâu, nhưng đến 1992, Hà Chí Hiếu (Hội viên hội VHNT Bình Định) mới trình làng tập ca khúc đầu tiên mang tên "Quê hương - tình yêu". Hai năm sau, Hội VHNT Bình Định lại cho xuất bản tiếp tập "Xôn xao tiếng hát" gồm 12 ca khúc đậm chất trữ tình của Hà Chí Hiếu. Với hai tác phẩm này, anh đã được trao giải C của giải văn học nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn lần I (1990-1995).

Cảm nhận về ca khúc của Hà Chí Hiếu, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, Ủy viên Ban chấp hành Hội nhạc sĩ Việt nam, đã viết: "Hà Chí Hiếu đã khéo đưa vào tác phẩm của mình những hình ảnh chân thực qua nhiều đề tài khác nhau... Và đậm nét hơn là những bài hát trữ tình: Tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa...".

Là một thầy giáo, Hà Chí Hiếu đến với âm nhạc bằng lòng đam mê và sự tìm tòi, tự học hỏi. Năm 1978, ca khúc đầu tiên của anh là "Quy Nhơn phố biển" đã được giới âm nhạc tỉnh nhà đón nhận như một món quà mới, một gương mặt mới cho phong trào văn nghệ quần chúng. Suốt hơn 20 năm, ngoài công việc giảng dạy âm nhạc, Hà Chí Hiếu đã liên tục trình làng nhiều tác phẩm mới như: Chiều Nhơn Hải, Yêu sao màu xanh, Mơ sông Hương, Sao em chưa về thăm, hoặc Này em, mùa xuân đã về rồi, Lời tượng đá, Bóng mát tuổi thơ... Những tác phẩm này đã đóng góp không nhỏ cho phong trào sáng tác âm nhạc của tỉnh nhà và khẳng định được một lối đi riêng trong dòng âm nhạc chung của cả nước. Riêng bài hát "Bóng mát tuổi thơ" đã được trao giải Tư tại cuộc thi sáng tác về người giáo viên nhân dân do Sở GDĐT và UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

Âm nhạc Hà Chí Hiếu có sự giao hòa khá nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ văn học và tiết tấu âm thanh. Ở nhiều ca khúc của anh, ca từ và nhạc luôn hòa quyện nhau, tạo nên những giai điệu dễ làm say đắm lòng người.

Ở bài "Một lần qua còn nhớ", anh viết:

Tạm biệt anh chiều bên bờ Thị Nại

Dừa xanh nghiêng lưu luyến vẫy chào nhau.

Bờ cát xa đưa níu chân ngày mới đến

Triền đồi níu lòng giờ tạm biệt bâng khuâng

 

Tạm biệt anh chiều bên bờ Thị Nại

Lòng nao nao xao xuyến nhớ về nhau

Ngọn gió chờ ai ru hàng cây khe khẽ

Giọt nắng đợi ai đi nhè nhẹ bên thềm...

Hầu hết các bài hát của Hà Chí Hiếu là nói về quê hương, về mùa xuân và tình yêu. Đây là đề tài muôn thuở của những người sáng tác, nhưng anh đã không dẫm lên lối mòn của các nhạc sĩ khác. Trong tác phẩm của mình, ngoài ca từ mang đậm chất thơ, Hà Chí Hiếu thường sử dụng nhiều tiết tấu và điệu thức để gây sự đa dạng, phong phú, tránh được sự nhàm chán đến tẻ nhạt như  nhiều  bài hát "lá cải" được tung ra khá nhiều trong thời gian gần đây.

Ở Hà Chí Hiếu còn một nét nổi bật nữa là những ca khúc phổ thơ. Ngoài việc chọn những bài thơ giàu nhạc điệu, anh còn đưa vào đó hơi thở của sự đam mê hòa điệu và đã tạo nên những bài hát lắng đọng trong lòng người nghe, như: "Khắc tên" - lời thơ Hà Phạm Phú, "Vần thơ của em" - lời thơ Lệ Thu, hoặc "Xôn xao tiếng hát" - phỏng thơ Thanh Hải, "Lời tượng đá" - phổ thơ Thảo Vi...

Ngoài nhiều ca khúc dành cho người lớn, Hà Chí Hiếu còn thành công ở mảng sáng tác cho thiếu nhi. Bài hát "Mẹ gánh nước" là một trong nhiều sáng tác thiếu nhi của anh đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định phát sóng nhiều lần và để lại ấn tượng tốt cho không chỉ đối tượng nhỏ tuổi. Khi tập ca khúc thiếu nhi "Hãy hát lên" đã tượng hình thì  nhạc sĩ Hà Chí Hiếu đã mãi mãi đi xa sau một tai nạn đột ngột, để lại niềm tiếc thương to lớn cho người thân, bạn bè và những người yêu quí tác phẩm của anh.

. Mai Thìn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nét riêng của câu ca dao về Chàng Lía  (13/10/2003)
Mối tình đầu   (10/10/2003)
Cô bé giúp việc  (09/10/2003)
Bàn tay cánh đồng   (08/10/2003)
Những ngọn đèn xưa   (08/10/2003)
Cội rễ   (08/10/2003)
Đặng Tấn Tới   (07/10/2003)
Đọc "Khoảng trời thương nhớ" và "Tri kỷ" của Lệ Thu   (06/10/2003)
Trong những chiều đọng bóng (*)   (05/10/2003)
"Vườn xưa" với bạn đọc   (03/10/2003)
Thơ viết về miền núi Bình Định   (02/10/2003)
Chỗ rẽ của dòng sông   (01/10/2003)
Vài suy ngẫm từ văn xuôi trẻ   (29/09/2003)
Văn học Trung Quốc chiếm lĩnh các nhà sách: Trông người mà gẫm đến ta   (28/09/2003)
Chuyện Hồng  (26/09/2003)