|
Khổng Vĩnh Nguyên qua nét vẽ Viết Hiền | Đọc thơ Khổng Vĩnh Nguyên, từ Cách nhau tiếng hú (Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định - 2000) đến Thăm thẳm bụi đường (Nxb. Văn học- 2003), ấn tượng trong tôi là hình ảnh một người lữ hành. Trên bước đường ngao du, qua những miền hoa cỏ, những cảnh sắc quê hương, tâm hồn người thơ ấy bật lên những cảm xúc, những cảm hứng thơ bất chợt để rồi ký thác vào trang viết những chắt lọc từ những nghiệm sinh chân thực.
Thơ Khổng Vĩnh Nguyên trong Thăm thẳm bụi đường, đậm đặc hình ảnh những chuyến đi. Có thể là cuộc Độc hành ca qua trăm núi nghìn sông (Độc hành ca), là những cuộc đi, về: về rừng đốt lửa làm thơ, là mây núi rủ tôi về, rồi những hình ảnh bụi đàng, hoa ổi tàu hoang dại bên đường đợi ai, rồi đường xa cho ngựa thơ ta lướt qua tòa mây bay, và dọc đường hái trái triền miên phiêu bồng… Và cả trong những giấc mơ, anh cũng Nằm mộng thấy tim mình mọc cánh/ Bay qua núi đá trần gian…
Đến đây, tôi lại nhớ đến Bashô và cuộc hành trình nổi tiếng nhất trong văn học Nhật Bản: cuộc du hành lên phương Bắc. Người lữ hành ấy đã đi trên "Con đường thiên lý hẹp", để thấu nhập vào cõi thâm ảo của cuộc sống, và cảm nhận những nỗi vô thường và vĩnh cửu của đời sống. Trong những cuộc hành trình của mình, Khổng Vĩnh Nguyên muốn ôm trọn lấy mọi vẻ đẹp của cuộc sống, từ một đóa sen hồng, một ngôi mộ cổ, đến cả một con chó nhỏ/ Ngồi ngó ruộng đồng, hay Gò hoa cứt lợn. Chạm vào những đề tài tưởng là bình thường nhất, Khổng Vĩnh Nguyên như muốn chắt lọc lấy để nâng cao bụi đời và thơ hóa mọi vẻ của cuộc sống.
Nhưng trên hết, vẫn là một người thơ trong hành trình đi tìm cái kỳ diệu của cuộc sống, cái đẹp mà con người tưởng đã đánh mất trong cuộc sống hiện đại, để quay về với thiên nhiên trong cảm thức không nguôi thương nhớ đồng quê. Nói về thơ Khổng Vĩnh Nguyên, nhà thơ Thanh Thảo viết: "Đọc thơ Khổng Vĩnh Nguyên, tôi lại nhớ làng quê mình. Và tôi buồn. Cái buồn của tôi, của bạn, của những người đọc đổ ngược vào thơ anh, đâm ra thơ anh như buồn hơn. May mắn là chúng ta còn biết buồn trước cảnh quê hương mình" (Tựa Cỏ đầu truông). Có lẽ chính cái cảm thức thiên nhiên ấy đã giúp Khổng Vĩnh Nguyên chọn cho mình một thể thơ đắc địa: lục bát. Những câu lục bát của anh như được nhặt từ trong túi ra, thật dễ dàng mà cũng không ngớt làm kinh ngạc những người yêu thơ:
Tiếc thương đời núi hao mòn
Mưa nghiêng đường vắng chiều con về nhà
Con gà trống thiến đã già
Cất lên tiếng gáy sao mà trẻ thơ
Hay
Lòng ta gió bạt ngàn lau
Gò hoa cứt lợn nhớ nhau bầm trời
Chim đi kêu lạnh bên đời
Gió đưa hạt bụi ham chơi về nhà
Cũng chính cái cảm thức thiên nhiên đã giúp cho Khổng Vĩnh Nguyên có cái buồn, vui hồn nhiên như cuộc sống vốn dĩ đã là vậy song vẫn nặng nợ với cuộc đời. Anh vẫn còn trăn trở trước khả năng giao cảm giữa người và người ngày càng bị tàn lụi Không ai cảm khái niềm cô độc; phố phường bạc bẽo… Và chính điều này, đã làm thơ Khổng Vĩnh Nguyên trở nên gần gũi, rất đời vậy.
Sau ba năm từ Cách nhau tiếng hú, Thăm thẳm bụi đường lại là một khẳng định về sức sáng tạo của nhà thơ "chạy theo mây trắng làm thơ thuộc lòng" này. Tuy nhiên, người đọc có cảm giác tập thơ chưa thể hiện được những cố gắng của nhà thơ ngõ hầu vượt thoát phong cách viết quen thuộc. Đây vẫn sẽ là những hy vọng, chờ đợi của những người yêu thơ anh.
. Lê Viết Thọ
(*) Đọc "Thăm thẳm bụi đường" - thơ Khổng Vĩnh Nguyên, Nxb. Văn học - 2003. |