Tùy bút
Quy Nhơn với "huyền thoại mẹ"
17:43', 16/10/ 2003 (GMT+7)

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại

Từng câu chuyện ngày xưa...

                (Trịnh Công Sơn)

Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người từng sống và chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh chống Mỹ ở Quy Nhơn đã sáng tác nên bài hát nổi tiếng "Huyền thoại mẹ". Và cũng không phải ngẫu nhiên mà bộ phim cùng tên "Huyền thoại mẹ" lại được chọn quay ở thành phố biển này.

Quy Nhơn "thành phố biển - thành phố thi ca!", trải bao cuộc chiến tranh, "nơi ấy không chỉ có biển ở mé ngoài và các nhà thơ bên trong" như nhà thơ Chế Lan Viên từng nói, mà còn có những huyền thoại sống với sự hy sinh thầm lặng của bao người mẹ, người chị cho cuộc sống hôm nay. Thuở ấy, lớp chúng tôi chỉ biết Quy Nhơn qua những mặt đường đầy dấu xe tăng và giày đinh lính Mỹ. Quy Nhơn xáo động ồn ào với những nhố nhăng, với đồn binh cảnh sát... và chúng tôi cũng chỉ biết những bà mẹ Quy Nhơn tần tảo bán buôn, oằn lưng gánh cá chứ chưa được nghe huyền thoại về những bà mẹ anh hùng của phố biển.

Rồi một ngày cuối tháng ba, Quy Nhơn sạch bóng quân thù. Thằng bé mười tuổi là tôi ngỡ ngàng biết quê hương được giải phóng.Thành phố oằn mình trút mọi vết nhơ mà quân thù để lại. Cùng với chúng tôi, thành phố lớn lên từng ngày từng tháng. Vết thương chiến tranh để lại đã liền da thắm thịt sau 28 năm. Từ một thị xã với những dải cát, những con đường đầy bụi, Quy Nhơn trở thành một thành phố lớn, và bây giờ đã là thành phố loại hai sánh ngang tầm với những đô thị lớn trong cả nước. Nhìn những con đường rộng lớn, những ngôi nhà nguy nga trên mảnh đất mưa bom bão đạn, ai cũng nghĩ chiến tranh đã mất hút vào dĩ vãng, thế nhưng nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn còn hằn sâu trong trái tim bao bà mẹ. Nó nhức nhối trong nỗi đau vợ mất chồng, mẹ mất con và trong bao vết thương tái diễn, hành hạ suốt đời người.

Trong đợt Nhà nước truy phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và những lần gặp mặt các nữ Anh hùng lực lượng vũ trang, tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều mẹ, nhiều chị ở Quy Nhơn mang những nỗi đau như vậy. Đấy là trường hợp của các mẹ: Phạm Thị Mười (phường Nhơn Bình), Thái Thị Như, Trần Thị Khiết (phường Ngô Mây), Nguyễn Thị Diên (xã Nhơn Lý), Phùng Thị Thuật (phường Lê Lợi), Tăng Thị Tổng (phường Quang Trung)... và nhiều mẹ khác mà không thể nào nêu ra hết được. Các mẹ có người là liệt sĩ, có người đã mãi mãi ra đi vì đòn thù tra tấn, vì nỗi đau chất chồng 5-6 cái tang của chồng con hy sinh trong kháng chiến. Các mẹ đã lần lượt nằm xuống như những giọt buồn rơi rụng để từ ấy mọc lên những mầm xanh tươi non của niềm tin mà các mẹ đã gìn giữ suốt một đời cho người ở lại.

Ở mẹ Phạm Thị Mười, niềm tin ấy được lớn thêm và nhân rộng sau "Năm lần tiễn con đi, bốn lần khóc thầm lặng lẽ". Bốn người con của mẹ đã lần lượt hy sinh. Anh Đỗ Tuấn Nghĩa hy sinh năm 1967, anh Đỗ Xuân Bá hy sinh năm 1968, chị Đỗ Thị Bảy-1969... liên tiếp bốn năm liền, nỗi đau chồng chất nỗi đau, và còn hơn thế nữa là có người hy sinh mà chẳng kịp để lại một địa chỉ cho mẹ tìm đến thắp nén hương thương nhớ. Anh Đỗ Tuấn Ngọc hy sinh mất xác ở đầm Thị Nại, còn anh Bá đi đặc công D30 thì hy sinh ở Nhơn Hội, mãi đến năm 1993 mới tìm được hài cốt đưa về nghĩa trang liệt sĩ.

Sức mạnh nào giúp mẹ vượt qua được mọi buồn đau để khi tuổi già, sức yếu vẫn là chỗ dựa của cháu con? Phải chăng sức mạnh ấy là niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào cuộc sống hôm nay? Niềm tin ấy đã tạo nên huyền thoại về các mẹ, các chị và bao chiến sĩ cách mạng  khác. Trong đòn roi quân thù, nơi xà lim ngục tối, nó là nguồn sáng giữ vững ý chí đấu tranh của người chiến sĩ cách mạng, là chỗ dựa vững bền trước mọi mưu mô quỉ quyệt của quân thù. Niềm tin ấy đã giúp người tử tù Huỳnh Thị Ngọc, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu đến cùng để giành thắng lợi. Trong kháng chiến chống Mỹ, chị là Thị ủy viên, tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Mỹ của thanh niên học sinh Quy Nhơn. Chị đã tham gia đánh trận sân vận động Quy Nhơn, tiêu diệt tên Phó tỉnh trưởng ngụy quyền Bình Định cùng nhiều đồng bọn. Sau trận này, chị bị địch bắt, bị tra tấn dã man, nhưng vẫn giữ tròn khí tiết của người cộng sản. Mặc dù bị địch kết án tử hình, chị vẫn đấu tranh móc nối với cơ sở, vượt ngục ra ngoài và tiếp tục chiến đấu đến ngày thắng lợi.

Còn biết bao người mẹ, người chị thầm lặng cống hiến máu xương để có được ngày giải phóng năm 1975. Họ là những bà mẹ còng lưng gánh cá, là những nữ sinh vô tư... nhưng lòng yêu nước và ý chí  đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc đã biến họ thành anh hùng. Chị Nguyễn Thị Phúc là một trong những anh hùng như thế của thành phố Quy Nhơn. Mười lăm tuổi, chị đã tham gia hoạt động cách mạng, dự hơn 50 trận đánh quyết định trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và cả tỉnh Bình Định. Chị đã được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1973 khi mới tròn 21 tuổi.

Bao huyền thoại về những ngày đánh Mỹ đối với các mẹ, các chị giờ đã thành ký ức. Theo thời gian, có người đã lẫn, không còn nhớ những gì đã qua. Nhưng những tháng ngày hy sinh xương máu, những nỗi buồn đau, những giọt nước mắt lặng thầm của các mẹ, các chị là điều có thực. Nó không mất đi mà mãi mãi tồn tại trong lớp lớp cháu con. Đó là điều tự hào cảm phục, là niềm tin vào ý chí dân tộc và cuộc sống hôm nay.

. Mai Thìn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khổng Vĩnh Nguyên với "Thăm thẳm bụi đường" (*)  (16/10/2003)
Hà Chí Hiếu và khúc hát quê hương  (14/10/2003)
Nét riêng của câu ca dao về Chàng Lía  (13/10/2003)
Mối tình đầu   (10/10/2003)
Cô bé giúp việc  (09/10/2003)
Bàn tay cánh đồng   (08/10/2003)
Những ngọn đèn xưa   (08/10/2003)
Cội rễ   (08/10/2003)
Đặng Tấn Tới   (07/10/2003)
Đọc "Khoảng trời thương nhớ" và "Tri kỷ" của Lệ Thu   (06/10/2003)
Trong những chiều đọng bóng (*)   (05/10/2003)
"Vườn xưa" với bạn đọc   (03/10/2003)
Thơ viết về miền núi Bình Định   (02/10/2003)
Chỗ rẽ của dòng sông   (01/10/2003)
Vài suy ngẫm từ văn xuôi trẻ   (29/09/2003)