Ở Bình Định, lý luận - phê bình (LLPB) văn học - nghệ thuật đang trống vắng. Nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để thúc đẩy hoạt động này để qua đó, kích thích hoạt động sáng tác? Ý kiến tâm huyết dưới đây của những người đang hoạt động văn học - nghệ thuật, sẽ là những gợi mở đáng suy nghĩ.
* Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Bình Định: Khuyến khích những cây bút LLPB có năng lực và tâm huyết là cần thiết.
Về thực trạng của nền LLPB văn học - nghệ thuật hiện nay trong cả nước, nhiều nhà lý luận phê bình, nhà sáng tác và công chúng đã đề cập ở các góc độ khác nhau. Nhìn chung, điều dễ thấy là trên một số mặt và không ít thời điểm nó còn tỏ ra sơ lược, đơn điệu, bất cập trước những đòi hỏi của sự nghiệp sáng tác và của chính bản thân nó. Tài năng LLPB không dễ thấy và nuôi dưỡng, để khẳng định lại càng khó hơn vì những nhu cầu nội tại và nhu cầu khách quan trên lĩnh vực này khá khe khắt. Hãy so sánh tỷ lệ giữa những nhà sáng tác và những nhà LLPB đã được công chúng và thời gian sàng lọc qua các thời kỳ văn học - nghệ thuật sẽ nhìn rất rõ. Do vậy, chúng ta thấy nhiều hội nghị đã được tổ chức, trong đó, vấn đề cơ bản đặt lên hàng đầu là việc sáng tạo những tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đồng thời đẩy mạnh công tác LLPB nghiên cứu văn học - nghệ thuật làm đòn bẩy cho sáng tác. Đó chính là điều quan tâm của Đảng, thể hiện gần đây nhất là Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về công tác văn học - nghệ thuật trong tình hình mới.
LLPB phải được đổi mới mạnh mẽ nhằm cập nhật hơn, thuyết phục hơn, đều khắp hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc và định hướng chuẩn thưởng thức của công chúng. Đó là nỗi bức xúc chung trong hoạt động văn học - nghệ thuật cả nước, không trừ hoạt động văn học - nghệ thuật ở Bình Định. Tất nhiên, ở phạm vi một tỉnh không thể đòi hỏi cùng lúc xuất hiện hàng loạt những nhà phê bình tài năng trên lĩnh vực văn học và các ngành nghệ thuật khác. Nhưng việc khuyến khích những cây bút có năng lực và tâm huyết trên lĩnh vực này là điều cần thiết. Và một điều nữa, hết sức cố tránh những bài phê bình không đi sâu vào bản chất văn học - nghệ thuật mà sa vào lăng xê quảng cáo "hiếu hỉ", hiện tượng lệch chuẩn làm cho đen - trắng lẫn lộn.
Đồng thời, cần khuyến khích việc nghiên cứu tổng kết các thành tựu của từng giai đoạn, qua các tuyển tập, qua các giải thưởng, qua các cuộc tọa đàm, hội thảo… là điều kiện thúc đẩy sự nghiệp sáng tác tỉnh nhà. Để có được không khí lành mạnh trong sáng tác văn học - nghệ thuật, cần chấp nhận các cuộc tranh luận học thuật. Vấn đề ở đây là tiếp cận chân lý trên tinh thần khách quan khoa học, tôn trọng lẫn nhau chứ không phải thiên về bảo thủ, quy chụp hay đả kích cá nhân.
Ngoài khả năng cảm thụ, phân tích tác phẩm, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm của người làm LLPB là hết sức cần thiết. Hy vọng sắp tới, diễn đàn của những người "suy nghĩ bằng trái tim, cảm xúc bằng khối óc" sẽ thật sự sôi nổi, hấp dẫn và bổ ích.
* Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Chúng tôi cần nghe những lời chê đúng.
Phê bình văn học - nghệ thuật rất cần thiết với những người làm nghề như chúng tôi. Bởi dây chính là thêm một lần tác phẩm được kiểm nghiệm một cách khách quan, khoa học. Tất nhiên, khi đã phê bình thì có thể khen, có thể chê; chỉ ra cái được và cái chưa được; chỗ nọ, chỗ kia cần phải củng cố thêm về mặt nghề nghiệp, về vốn tri thức… cũng như có những định hướng cho sáng tác.
Tuy nhiên, nhìn chung LLPB hiện còn yếu, chưa thấy xuất hiện những cây bút xuất sắc, quá ít những bài viết có chất lượng. Đặc biệt, khả năng định hướng của LLPB vẫn chưa rõ. Đây là thực trạng chung của LLPB văn học - nghệ thuật cả nước. Với Bình Định, dù đội ngũ làm văn học - nghệ thuật không nhỏ, nhưng LLPB vẫn là mảng rất yếu. Lác đác có một vài bài phê bình, nhưng chất lượng cũng chưa phải là đã thỏa đáng, đánh giá còn mang tính chất chung chung, hời hợt. Nhiều vấn đề lý luận, người làm nghề rất cần có tiếng nói của LLPB, để từ đó có những định hướng cho hoạt động của mình, nhưng lại hầu như trống vắng. Phê bình các vở diễn sân khấu vẫn chưa nói được những gì anh em làm nghề thật sự cảm thấy tâm đắc.
Phê bình cần khách quan, khoa học. Và khi đã khách quan, khoa học, đã đúng và hay thì tại sao chúng tôi lại không nghe. Chúng tôi cần nghe những lời chê đúng. Chê đúng mới là thầy. Tất nhiên, để xứng đáng là thầy thì cũng không đơn giản. Chứ chỉ khen một chiều, khen một cách chung chung thì nói thật là cũng rất sợ. Tóm lại là cần phải sống với nhau chân tình thì mới làm được chút gì đấy đóng góp vào cái chung.
* Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền, Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật: Nên tập hợp những cây bút LLPB.
Phê bình nghệ thuật là mảng chúng ta gần như bỏ trống. Chúng ta chưa có đội ngũ chuyên làm LLPB nghệ thuật nên anh em làm nghề nhiều khi cũng phải động bút, lấn sân sang một lĩnh vực vốn không phải sở trường. Cũng chính vì không có đội ngũ, nên người viết đã ít lại ở trong hoàn cảnh phải đứng mũi chịu sào. Viết được một, hai bài thì rất dễ bị hiểu lầm, nên tâm lý chung là ngại viết và… né.
Cách đây vài năm, cũng có người nêu ý kiến là nên tập hợp anh em làm LLPB vào một phân hội hay chi hội gì đó. Nhưng rồi ý tưởng này cũng không đi vào thực tế. Nay, theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải làm. Đội ngũ làm LLPB ở Bình Định có thể còn ít, nhưng dẫu sao, khi đã được tập hợp, những người làm LLPB sẽ động viên nhau làm việc, có những bài viết có chất lượng, và từ đó, kích thích cho hoạt động sáng tác.
. Khải Nhân (ghi)
|