Truyện ngắn
Ngoài kia trời đang mưa
17:23', 24/10/ 2003 (GMT+7)

Họ đã từng yêu nhau như thể chưa ai yêu nhau hơn họ. Ngày hai người chưa là gì của nhau, Thảng nói với Hiền: "Không có em, anh sẽ chẳng thiết sống trên cuộc đời này". Còn Hiền thì nhướng đôi mắt như luôn có chứa sẵn trong đó những giọt nước mắt cũng nói: "Mỗi khi lên sân khấu hát. Nếu không có anh ngồi dưới kia thì dường như em hát không hay". Đó là tình yêu chứ không thể là một điều gì khác. Chỉ có tình yêu mới làm cho cuộc đời này tươi xinh và có ý nghĩa hơn. Với Hiền và cả Thảng, họ đã vượt qua những sóng gió của cuộc đời để có được ngày hôm nay cũng chính nhờ tình yêu. Đôi khi nhớ lại, Thảng không hiểu tại sao mình có thể gồng mình đạp xe trên con đường dài cả 5, 6 cây số chở Hiền di hát. Và cả Hiền, cô cũng không hiểu tại sao thuở đó hai đứa nghèo đến mức buổi tối trở về chỉ ghé hàng cháo lề đường để ăn món cháo trắng hột vịt muối mà cũng không ghé ăn thường xuyên. Còn bây giờ, món cháo trắng đã trở thành quá khứ, cả những vòng xe khua trên phố trong đêm, nghe tiếng lá khẽ rụng khi những chuyến xe mệt mỏi của ngày cũng đã đi qua hết, đã trở thành kỷ niệm. Cuộc đời vốn rất sòng phẳng với những người chịu thương chịu khó. Cho nên sau những ngày vất vả, Hiền đã có một chỗ để hát thường xuyên, dẫu rằng Hiền không phải là một ngôi sao ca nhạc tỏa sáng. Còn Thảng, anh cũng đã có vài kịch bản dựng thành phim sau khi anh đã phải chạy lui chạy tới từ hãng phim này đến hãng phim kia.

Giữa thành phố bước ra đường là phải chong mắt nhìn về phía trước, cùng nối cuộc sống của mình với dòng xe gần như không bao giờ ngơi nghỉ kia, có biết bao nhiêu người thất bại. Cho nên, khi vượt qua những gian nan, cùng hiểu được những giọt mồ hôi rơi trên con đường nhựa bóng loáng kia chưa kịp loang ra đã khô đi – thì tình yêu là chất men kết dính. Ngày hai người cưới nhau, chỉ có dăm bạn bè thân thiết tới dự. Ngày kỷ niệm 10 năm hạnh phúc, biết bao nhiêu khách chúc mừng. Đó là thay đổi, đó cũng là yên lòng cho một tương lai phía trước. Ngày kỷ niệm 10 năm, hai người đã có tất cả những gì mình muốn có từ thuở xa xưa. Nhưng bên những ngọn đèn màu cháy rực, bên tiếng nhạc mênh mông kia đâu ai biết rằng hai người đang đi về hai phía khác nhau. Điều lạ kỳ là dù đã đi về hai nhánh rẽ, nhưng họ cứ bám víu vào nhau như cả hai cần phải có bên nhau để cùng diễn vở kịch mà họ đều là vai chính. Có phải chăng vì họ đã có tới bao nhiêu năm tươi đẹp?

Mọi người trong thành phố gặp hai người trên phố gọi họ là "một đôi hạnh phúc". Thảng và Hiền cũng thấy mình là một đôi hạnh phúc. Nhưng cũng như mặt hồ lặng im kia. Người ta nói tại sao nó tĩnh lặng và lãng mạn đến thế. Đâu ai biết rằng bên dưới lòng hồ là cả một thế giới sôi động và âm ỉ những ngọn sóng. Không ai nhìn thấy đáy hồ mà chỉ nhìn thấy mặt hồ.

Chuyện xảy ra giống như là trong những kịch bản phim Thảng đã viết. Đó là một hôm Thảng nói với Hiền là anh theo đoàn làm phim đến tận Tây Nguyên để chọn cảnh. Bởi vì kịch bản của anh vừa hoàn tất là câu chuyện của một đôi trai gái ở hai buôn làng khác nhau yêu nhau. Trong đó là đan xen những lễ hội và cả những cảnh cưỡi voi cùng những sinh hoạt của người dân tộc Tây Nguyên. Theo dự trù đoàn sẽ đi mười ngày. Thực ra thì chuyến đi đó không phải đến một buôn làng Tây Nguyên nào đâu, mà anh cùng Ngọc rủ nhau đi Đà Lạt. Ngọc là cô diễn viên phụ trong một bộ phim trước kia của anh. Lúc đầu chỉ là bạn trong công việc, nhưng rồi sự gặp gỡ thường xuyên đã nảy sinh ra tình cảm. Lúc đầu Thảng cũng có cảm giác là phản bội Hiền. Bởi vì khi xa vợ, anh lại vui vẻ với một cô gái khác. Lúc đầu anh cảm thấy thật sự hổ thẹn khi tìm cớ ra khỏi nhà để đi với một người đàn bà khác. Nhưng rồi sự vụng trộm trong tình yêu giống như một thói quen. Thói quen khiến cho người ta cứ nhắm mắt mà đi trên con đường vẫn thường đi, dẫu biết rằng con đường đó chẳng thể nào đưa ta đến được cái đích mà mình muốn đến. Có phải bởi thói quen khiến cho Thảng và Hiền vẫn trở về nhà mỗi ngày - trong khi thực tế mỗi người đã có cả một thế giới riêng ngoài chồng ngoài vợ. Những lúc phản bội vợ, Thảng lại dỗ lòng: "Mình chỉ rong chơi thôi mà? Đó chỉ là chút hương hoa bên ngoài. Mình có phản bội cô ấy đâu?". Chính Thảng cũng không biết rằng Hiền cũng chẳng khác gì anh trong những đêm về nhà muộn. "Em hát tới mấy tụ điểm. Anh đừng đợi em". Hiền hát mấy tụ điểm là có thật. Nhưng một ông khách Việt kiều về nước làm ăn đã làm cho cô ngã lòng. Anh chàng có quá nhiều thứ để trao tặng không hề tiếc nuối. Nguyên, anh chàng Việt kiều đó có cách chinh phục theo kiểu trường phái lãng mạn. Đó là những bó hoa xinh đẹp chỉ dành cho Hiền khi Hiền bước ra sân khấu. Rồi hẹn hò ăn cơm, bắt đầu từ e dè, rồi sa vào vòng tay anh ta như chuyện tất yếu.

Buổi chiều, anh đợi Ngọc sửa soạn để cùng nhau đi ăn tối. Thảng đứng ở trên lan can của khách sạn nhìn xuống con đường Võ Tánh nhỏ. Mọi người ở Đà Lạt vẫn gọi đây là con đường của khách sạn bởi những khách sạn lớn nhỏ cứ chen khít nhau. Thảng bắt gặp Hiền đang từ trong khách sạn đối diện chỗ mình ở bước ra với một người đàn ông. Lúc đầu tưởng là nhìn lầm, nhưng rõ ràng là Hiền chứ không ai khác hơn. Thảng vội chạy xuống thang lầu, băng qua đường đuổi kịp Hiền. Hiền nhìn thấy Thảng nhưng giống như nhìn một người xa lạ, Hiền hững hờ bước đi. Thảng chẳng đủ can đảm nổi giận – bởi chính anh cũng đang nói dối Hiền lên thành phố nhỏ bé này cũng với một người đàn bà.

Hai người sống hai đời riêng ở bên ngoài mà cứ tưởng rằng người kia không hề biết chuyện của mình. Thật ra thì họ đang ngầm thỏa thuận cái kiểu "ông ăn chả, bà ăn nem". Mỗi người cứ dấu kín riêng người tình của mình ở ngoài, còn khi bước chân về nhà là song đôi hạnh phúc. Thảng đã từng nghe bạn bè nói lại: "Hiền nhà mày đi Vũng Tàu hát đại nhạc hội phải không?" Thảng hững hờ: "Người ta trả giá một đêm bằng cả tháng hát tụ điểm". "Mày có biết ai tổ chức đại nhạc hội đó không? Thằng Nguyên Canada". Còn Hiền lại nghe bạn bè kháo nhau: "Con nhỏ Ngọc được cha Thảng ôm bế bữa nay coi bộ lột xác ghê. Cái mặt nó đi trên phố vênh vênh lên mà thấy ghét." Họ nói với Hiền: "Bà Hiền giống như tên của bà. Chặt chân chặt cẳng cho con nhỏ hết nhảy nhót". Hiền cười: "Kệ họ. Con nhỏ lấy chồng là hết. Ngăn ảnh rồi ảnh cũng cặp con khác thôi. Vả lại ảnh có mèo thì mình cũng có mèo. Huề".

Hiền đi Thái Lan nửa tháng. Hiền sẽ tham dự một liên hoan ca nhạc do một công ty kinh doanh điện máy mời. Chẳng cần phải xin phép chồng hay hỏi anh có đồng ý không? Hiền chỉ để lại một mảnh giấy nhỏ trong khi Thảng vắng nhà: "Em đi Thái Lan chắc nửa tháng mới về". Chẳng có một câu ngọt ngào. Nhắm mắt lại Thảng cũng biết là Hiền sẽ không đi một mình, việc đi Thái Lan hát chỉ là phụ, chắc chắn là một cuộc hẹn hò với Nguyên. Hai người sống chung một mái nhà mà hai trái tim lại nghiêng về hai phía khác nhau – thì cả hai đang níu kéo điều gì đây?

Những lúc Hiền đi xa là những lúc Thảng có cảm giác như mình đang trở lại những ngày sống độc thân, quấn quít cùng Ngọc. Nhưng giờ đây Ngọc cũng bỏ anh rồi. Ngọc nói rất bình thản trong quán nước: là hai tháng nữa cô sẽ lấy chồng. Hôm hai người đi ăn bữa tối cuối cùng. Ngọc nói: "Anh sẽ chẳng bao giờ bỏ chị Hiền để cưới em. Còn em thì không muốn mình thành gái già. Mình chia tay thôi nhé. Ông chồng sắp cưới của em ghen dữ lắm". Lạ kỳ cho Thảng là lòng anh dửng dưng đến lạ lùng. Vợ đang rong chơi với người tình, còn người tình của anh thì cũng đã bỏ đi. Một mình trong căn phòng rộng - dường như Thảng có cảm giác như mình đang thả mình rơi từ trên tầng cao vói của một ngôi nhà xuống đất. Anh rơi mãi mà vẫn chưa đến tận cùng. Trên tivi là chương trình ca nhạc. Rất đỗi vô tình đang phát một bài hát do Hiền hát. Đó là một chương trình cũ.

Thảng tắt tivi. Anh gào với mình: "Thôi đừng hát nữa. Thôi. Thôi". Anh ngồi thầm một mình trong tối. Dường như ngoài kia trời đang mưa. Cơn mưa đầu mùa đang vỗ về con đường.

. Khuê Việt Trường

(Nha Trang)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phê bình văn học - nghệ thuật: Trống vắng vì đâu?   (23/10/2003)
Ngậm bồ hòn làm ngọt  (22/10/2003)
Một câu thơ làm hại đến... lương thực  (22/10/2003)
Đợi chờ  (21/10/2003)
Không đề  (21/10/2003)
Gặp lại biển xanh  (19/10/2003)
Gặp mùa vải chín  (19/10/2003)
Có kịp quay về ?  (17/10/2003)
Quy Nhơn với "huyền thoại mẹ"  (16/10/2003)
Khổng Vĩnh Nguyên với "Thăm thẳm bụi đường" (*)  (16/10/2003)
Hà Chí Hiếu và khúc hát quê hương  (14/10/2003)
Nét riêng của câu ca dao về Chàng Lía  (13/10/2003)
Mối tình đầu   (10/10/2003)
Cô bé giúp việc  (09/10/2003)
Bàn tay cánh đồng   (08/10/2003)