Gọi chị là nhà văn, nhà thơ hay nhà nghiên cứu đều được, vì "nhà" nào chị cũng đều có thành tựu. Chả dám so sánh để rồi bị đánh giá là trọng nam khinh nữ, nhưng quả thật, cánh mày râu, mấy người như chị. Mà chị lại nhỏ nhắn, nhỏ đến mức thấy... hoang mang vì sự mong manh. Mà lại nuôi ba đứa con trứng gà trứng vịt kèm một ông chồng thi sĩ thứ thiệt. Cũng may ông này không lơ mơ như các thi sĩ thường thấy. Cũng có thể là ông đã "đắc đạo" rồi. Ông chính là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, một cây lục bát có hạng của làng thơ. Chị nổi tiếng về thơ từ hồi còn là sinh viên Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Huế. Tôi nhớ, hồi ấy được in một bài trên tạp chí Sông Hương là cả một sự kiện vô cùng lớn trong cuộc đời người cầm bút. Thế mà chị được giới thiệu cả một chùm bề thế, và được sinh viên thời ấy, cái thời có thể nhịn ăn để nghe thơ, nhịn mặc để góp tiền mua giấy chép thơ chuyền tay nhau, rất thích. Sau này tập thơ "Muối ngày qua" của chị được giải thưởng của Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tập thơ "Những đêm da trời xanh" của chị cũng có tiếng vang lớn. Chị có vài ba đầu sách nghiên cứu như "Hàn Mặc Tử, hương thơm và mật đắng", "Nhạn thần cô"... Một tập truyện ngắn cũng được nhiều giải thưởng là "Một lứa bên trời" tập hợp 18 truyện ngắn đặc sắc của chị, trong đó có những truyện đạt giải cao của báo Văn nghệ, một tờ báo văn chương đầy uy tín... Ba lần đạt giải cao nhất giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn, giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm một lần của UBND tỉnh Bình Định... Viết khỏe thế, đa năng nhiều thể loại thế nhưng chị lại là người đàn bà vô cùng chỉn chu. Từ với chồng với con đến bạn bè khách khứa, chị cứ lặng lẽ lo toan chăm sóc nâng giấc dỗ dành như một bà vợ nông dân tảo tần chất phác, như không từng là "nhà" này, "nhà" kia, như chưa từng đi đây đi đó, chưa từng là "víp" trong các cuộc tiếp xúc giao đãi văn chương cũng như các cuộc trao giải long trọng...
Cả hai vợ chồng đều tốt nghiệp Khoa văn Đại học Tổng hợp Huế, chồng trước, vợ sau lần lượt trở về quê hương lập nghiệp và thành danh. Trần Thị Huyền Trang thuộc típ người lặng lẽ, ít thích ồn ào. Văn của chị cũng thế. Hơi văn thủ thỉ nhẹ nhàng, các nhân vật cũng có vẻ gì đấy cổ cổ tội nghiệp. Đến cả những cái truyện đầy chất hoành tráng như "Trên đỉnh rừng thần" thì các nhân vật vẫn lẩn khuất lặng lẽ. Đến ngay tên các truyện ngắn của chị cũng thế. Những là "Chiếc áo dạ", "Mẹ nghèo", "Chuyện cất trong lòng núi", "Chị Nhạn", "Trên sân ga đời người"... đến "Một lứa bên trời", "Chiều rớt", "Nước chảy về nguồn", "Trả gió cho trời", "Cố hương", "Mưa rửa bùn"... Nhưng chính từ cái lặng lẽ khuất lấp ấy lại rực lên những tâm hồn nhân hậu, những vệt sáng lấp lánh của tình người, cái sắc sảo của một nhà văn có tay nghề xử lý tình huống. Những cái kết có hậu làm vỡ òa ra nỗi thắc thỏm phiêu diêu của người đọc. Đọc văn chị phải đọc chậm, nhấm nháp. Những nhân vật, những cảnh huống, những tình tiết lặng lẽ chảy theo từng con chữ thấm đẫm sự bồi hồi lo lắng, sự chăm chút chỉn chu, đầy trách nhiệm của người sinh ra chúng. Đây là đoạn kết truyện ngắn "Bến Diêu Đài": Trăng đã lên. Nước thân thiết choàng vai những thằng bạn thuở thiếu thời. Hưng vốc từng ngụm sáng ấp lên mặt. Huyền ảo dòng sông Côn yêu dấu. Huyền ảo một bến sông tiên tắm. Này bến Diêu Đài, này là nước dịu dàng thấu đáy, mày có thể làm tan vỡ mấy tầng trăng? Chị có tài tổ chức nhân vật. Nhiều khi cả truyện, bốn năm nhân vật chỉ ngồi "họp", kiểm điểm nhau lẫn tự vấn chả thấy hành động ly kì với thắt nút mở nút gì mà vẫn thu hút. Có lẽ là tại bởi mỗi con chữ đều thao thiết nỗi lòng tác giả?
Thơ của chị cũng thế, đằm sâu trong từng con chữ là nỗi lòng của thi nhân với cuộc đời thể hiện qua từng chi tiết đời sống mà chị bắt gặp. Đây là một câu thơ "nhìn lại": Chỉ có núi của đời ta lặng lẽ/ đứng chờ ta nơi một góc quê nghèo... Khi vui sướng ngoảnh đầu về núi mẹ/ Thấy lưng trời một ánh sao hôm. Đây là câu thơ cho chồng: Vì thu/ bông bưởi lặn vào quả bưởi/ vì anh/ em lặn vào trong con./ Nếu mai này/ nụ hoa khép cánh trước hoàng hôn/ chiếc áo cũ xếp vào đáy va ly/ thì tóc em là mây/ xanh mãi mãi. Đây là câu thơ cho bạn: Ta bước vào một Hà Nội dậy muộn thức khuya/ Hoa lặng lẽ trên mặt bàn u tĩnh/ Lòng bè bạn sen xanh ủ cốm/ Ta heo may suốt chuyến tàu về. Đây là thơ cho con: Con chỉ mong tất cả là ban ngày/ để học và chơi cho thỏa thích/ mẹ mỏi mệt ngủ quên bên bàn viết/ con hái về tặng mẹ ban đêm. Đây là câu thơ cho chiều: Chiều còn là mùi khói ấm trên tay/ Và ánh mắt con thơ bữa tối/ Và hơi thở của một người ít nói/ Đã yêu ta bất kể mọi phù trầm. Đây là câu thơ cho một đêm sau bão: Lập cập ngói run mái phố/ Dừng đâu ơi kẻ không nhà/ Thế gian còn bao nhiêu lửa/ Sưởi ấm cho người đi qua. Những câu thơ tôi trích ngẫu nhiên nhưng đều chung nhau ở sự đằm thắm dung dị, sâu sắc một nỗi hy sinh lặng lẽ, như quên mình đi, như thu mình lại nhưng lại lan tỏa, lung linh, lay động khiến đọc xong ta ngơ ngác như vừa đi qua một khu vườn cổ tích. Ở đó, những cô tiên và những hoàng tử, những tiên và phật, những số phận lặng lẽ tỏa sáng...
Tôi thân với cả hai vợ chồng Trang từ khá lâu, vài chục năm nay. Vừa là đồng khoa đồng trường, vừa là cùng nghề cầm bút trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên này, mà Bình Định và Gia Lai gần nhau lắm lắm. Nhưng cái chính là tôi phục tài của cả hai vợ chồng. Vượt qua biết bao khó khăn lận đận, họ đã lao động nghệ thuật miệt mài để có những thành công như hôm nay. Bây giờ cả hai vợ chồng cùng là hội viên Hội nhà Văn Việt Nam, một trong không nhiều cặp vợ chồng văn chương nước Nam ta cùng có danh hiệu ấy. Trần Thị Huyền Trang hiện công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin, ủy viên Thường vụ Hội nhà Báo Bình Định, ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định. Giai thoại về họ cũng nhiều lắm, xin kể một chuyện. Có lần xuống thăm Mừng Trang khi còn ở một phòng bé tí trong khu tập thể trên đường Lê Hồng Phong, lúc này Trang vừa sinh đứa thứ... 3, mà hai đứa trước đang còn ngồi bô và ăn bột. Tôi vô cùng ái ngại trước căn phòng bé tí bộn bề và đầy mùi nước đái trẻ con ấy thì Trang nói: Em không sợ khổ, chỉ lo không có tiền nuôi con. Còn Mừng thì cười hề hề, cái cười mà chỉ ai nghe mới biết chứ không tả lại được: Tại bóng đá. Một đêm hai trận, thế bác bảo khoảng giữa hai trận ấy thì làm gì? Nếu gặp Trang bên ba đứa con trứng gà trứng vịt, khó có thể nghĩ đấy là thi sĩ? Đấy là một bà đàn bà quê te tái xót xa tê dại vì con. Chúng đã được bố mẹ tha đi từ bắc vào nam. Nam thì cùng bố mẹ đi dự hội thảo thơ ở Sài Gòn, bắc thì theo mẹ đi dự trại sáng tác ở Láng Trung, Hà Nội cả tháng trời, tây thì Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum đã từng, chính tôi cũng chả hiểu cứ quấn quýt như thế rồi thì viết vào lúc nào mà tác phẩm cứ ra ào ào, giải thưởng nhận về tới tới...
Cũng phải nói thêm điều này: Trang là người đàn bà biết... giữ chồng. Hay đi họp cùng Mừng tôi biết, thỉnh thoảng anh em có định "tụt tạt" tí ti thì Mừng đều gạt đi, có em nào xinh đẹp yêu thơ xin chữ ký hoặc địa chỉ thì Mừng lảng tránh chứ chả sung sướng hớn hở như các thi nhân khác. Nhà báo Trần Đăng, cũng là bạn thân của cả hai vợ chồng nhận xét: cách ba nghìn cây số, Mừng vẫn thấy Trang trước mặt.
Vẫn thế, mỗi ngày nghỉ cuối tuần, người đàn bà bé nhỏ ấy lại lặng lẽ dậy sớm nắm cơm, làm thức ăn mặn, lo bữa trưa cho ba đứa con ở nhà, rồi hai vợ chồng lên xe máy túc tắc về các vùng quê đi thực tế, một cách đi thực tế độc đáo do hai vợ chồng nhà văn này nghĩ ra. Buổi trưa ghé vào một gốc cây nào đó, mở cơm nắm ra... nhang nhác cái cảnh đi công tác thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc ngày nào. Còn ngày thường đi làm, Trang đi bằng xe đạp. Dưới những vòng quay chậm rãi giữa đông đúc phố phường Quy Nhơn ấy, những nhân vật, những tứ thơ thành hình. Và đêm đêm, những con chữ cựa quậy trên trang giấy, làm nên một dấu ấn Trần Thị Huyền Trang, nữ sĩ đất võ Bình Định trên văn đàn cả nước...
. Văn Công Hùng
(Hội VHNT Gia Lai) |