|
Nhà thơ Phạm Hổ |
Nếu hỏi ai là tác giả của những vần thơ ngộ nghĩnh, sinh động, vui vẻ dưới đây:
Mười quả trứng tròn
Mẹ gà ấp ủ
Mười chú gà con
Hôm nay ra đủ
Lòng trắng lòng đỏ
Thành mỏ thành chân
Cái mỏ tí hon
Cái chân bé xíu…
(Mười quả trứng tròn)
hay những vần thơ về "Xe chữa cháy" :
Mình đỏ như lửa
Bụng chứa nước đầy
Tôi chạy như bay
Hét vang đường phố
Nhà nào bốc lửa
Tôi đập liền tay
Ai gọi chữa cháy?
"Có…ngay! Có…ngay!"
Chúng ta tin rằng mười em thì có đến 8 em biết ngay là của Phạm Hổ. Là nhà thơ cho trẻ em mấy mươi năm qua, thật dễ có ai được cái hạnh phúc như Phạm Hổ. Phạm Hổ sinh năm Dần (có lẽ vì thế mà ông mang tên Hổ chăng?), ngày 28 tháng 11 năm 1926 tại thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, Bình Định. Hồi nhỏ, ông đi học ở làng quê và ở Quy Nhơn.
Cuộc đời Phạm Hổ, ngay từ những ngày đầu đến với nghệ thuật, đã có may mắn gặp được những bậc thầy thật sự. Ngoài việc sáng tác thơ và truyện cho thiếu nhi và người lớn, ông còn sáng tác âm nhạc và hội họa. Năm 1995, ông đã có một cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại Hà Nội. Với ông, tranh cũng như thơ, đều thể hiện một tâm hồn yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên. Thời kháng chiến chống Pháp, ông đã từng theo học một lớp họa do danh họa Nguyễn Đỗ Cung giảng dạy. Hơn nữa, ông còn được "đặc ân" cắp giá vẽ theo hầu thầy suốt 2 năm.
Ông thầy về thơ của Phạm Hổ phải kể đến nhà thơ Trần Mai Ninh. Khi Phạm Hổ viết những dòng thơ đầu tiên thì Trần Mai Ninh đã là nhà thơ, nhà báo, nhà tiểu thuyết có danh. Trần Mai Ninh khuyên Phạm Hổ học nhạc, học vẽ để làm thơ thêm hay.
Phạm Hổ cũng chịu ảnh hưởng rất sâu ở ông anh ruột của mình là nhà báo, nhà thơ, nhà văn viết tiếng Việt và tiếng Pháp - Phạm Văn Ký - người đạt giải thưởng lớn về tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp năm 1961, người đã viết tựa cho tập "Gái quê" của Hàn Mặc Tử. Thời kỳ ông Ký làm chủ bút tờ "Gazette de Hue" (Tạp chí Huế), Phạm Hổ đã ra đây học ở anh. Phạm Hổ kể: "Lúc bé tôi có người anh viết văn, làm thơ. Anh tôi thường cho tôi tiền, mỗi tháng phải mua và đọc cho được bốn quyển sách Hồng. Cứ đọc xong quyển nào thì viết tóm tắt quyển ấy. Viết càng gọn và càng đầy đủ thì càng được anh tôi khen… Nhờ đó mà sau này, đọc sách, tôi dễ dàng nắm được ý chính - tức chủ đề của câu chuyện, của bài thơ. Có lẽ thời kỳ này, Phạm Hổ làm quen với những tác phẩm của Andecxen, anh em Grim, Laphongten… và điều đó đã nuôi dưỡng hoài bão viết văn, làm thơ cho nhà thơ sau này.
Tính từ tập truyện đầu tiên "Em Tre" (1949) đến năm 1993, Phạm Hổ đã có 11 tập thơ, 9 tập truyện, 4 vở kịch viết cho các em. Ngoài ra ông có 8 tập thơ, văn viết cho người lớn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Phạm Hổ hoạt động văn nghệ ở khu V. Thơ của ông được in ở 2 tập "Em vẽ Bác Hồ" (1948) và "Lúa non" (1952). Ở 2 tập sáng tác phục vụ kịp thời và có ý nghĩa tập dượt này đã bắt đầu bộc lộ thiên hướng viết cho thiếu nhi của ông.
Và quả vậy, lĩnh vực mà ông thành công hơn cả là văn thơ viết cho thiếu nhi. Điều đó, giúp ông có một vị trí trong nền văn học thiếu nhi hiện đại của nước ta. Có thể kể các tập truyện dành cho các bạn đọc nhỏ tuổi là: Bê và Sáo, Viết thư cho cha, Khẩu súng người ông, Chuyện hoa chuyện quả, Bạn trong vườn, Chú bò tìm bạn, Từ không đến mười, Mẹ, Mẹ ơi, Cô bảo...
Năm 1996, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt tập "Chú bò tìm bạn" gồm những bài văn và thơ của Phạm Hổ được tuyển chọn từ những truyện đã xuất bản từ năm 1955 đến năm 1995, trong đó có một số bài đã được dịch và giới thiệu ở Nga, Ukraina, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hungari…
Viết cho các em, ngòi bút Phạm Hổ khá linh hoạt với những cách chuyển đổi từ góc nhìn đến giọng điệu, lúc giọng trẻ thơ nói với nhau, lúc là giọng các cháu trò chuyện với thế giới thiên nhiên, và cũng có lúc là giọng của ông, một người cha, người anh ôn tồn, nhân hậu … Với bút pháp đó, thế giới trẻ thơ trong sáng tác của Phạm Hổ khá phong phú, vừa gần gũi với những trò chơi, sinh hoạt học hành, lại vừa dẫn dắt suy tưởng làm tâm hồn các em bay bổng hơn.
Bài thơ "Chú bò tìm bạn" được dùng để đặt tên cho tập tuyển trên - viết từ năm 1952, khá tiêu biểu cho phong cách thơ Phạm Hổ:
Mặt trời rúc bụi tre
Buổi chiều về nghe mát
Bò ra sông uống nước
Thấy bóng mình, ngỡ ai
Bò chào: "Kìa anh bạn"
Lại gặp anh ở đây!
Nước đang nằm nhìn mây
Nghe bò cười nhoẻn miệng
Bóng bò chợt tan biến
Bò tưởng bạn đi đâu
Cứ ngoái trước nhìn sau
"Ậm bò" tìm gọi mãi….
Và những tình cảm trong sáng, lành mạnh của tuổi thơ đối với bạn bè, với thầy giáo, với quê hương, Tổ quốc, gia đình được bồi dưỡng một cách nhẹ nhàng trong thơ và truyện của Phạm Hổ. Có thể thấy điều ấy trong truyện "Ngựa thần từ đâu đến?" viết về ngựa sắt của Thánh Gióng, trong bài thơ "Em yêu Tổ quốc Việt Nam":
Tổ quốc em giàu lắm
Đồng ruộng: vựa thóc thơm
Biển bạc: đặc cá tôm
Rừng vàng: đầy quặng, gỗ…
Ôi Việt Nam! Việt Nam!
Tổ quốc bao thân mến
Yêu từng khóm tre làng
Từng con đò vào bến...
Dễ gì truyền những tình cảm, tình yêu đó đến cho lứa tuổi thơ nếu mình thật không có tâm hồn trẻ thơ. Vậy mà, Phạm Hổ đã thành công ở phương diện này.
.TRẦN XUÂN TOÀN |