Lần đầu tiên tôi gặp Lan Hương khi chị cùng một số đồng nghiệp Bình Định tổ chức phòng triển lãm chung tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh cách đây gần 10 năm. Chất trữ tình mà sâu lắng, chứa đầy nội tâm trong tranh chị đã thực sự cuốn hút tôi, buộc tôi luôn dõi theo từng nhát cọ của chị từ bấy đến nay. Trước đó, Lan Hương đã có tranh tham gia ở các triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Ở TPHCM, Hà Nội và Quy Nhơn, chị có nhiều triển lãm riêng và triển lãm chung với các họa sĩ cả nước. Tranh của Lan Hương còn có mặt ở các Galery tại Hà Nội, TPHCM và các phòng khách ở nước ngoài. Tác phẩm của Lan Hương không cầu kỳ, lập dị, mà gần gũi với đời sống nội tâm, dễ tạo nên cảm giác sâu lắng trong lòng người xem.
Tôi đã đứng rất lâu trước những tác phẩm như: Tĩnh vật, Trương Chi, hoặc trước những cây nến sắp lụi tàn của bức tranh Sinh nhật. Với gam màu nâu tím làm chủ đạo, bãng lãng chất huyền thoại, Lan Hương đã tạo nên trong hầu hết tác phẩm của mình một không gian mênh mông và sâu lắng. Bức tranh Trương Chi và phần lớn tranh đặc tả phong cảnh thiên nhiên của Lan Hương đều nằm trong dạng đó. Truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương đã có nhiều thể loại nghệ thuật khác đề cập, mà tiêu biểu là âm nhạc và thơ ca, còn ở lĩnh vực hội họa, có lẽ Lan Hương là người thành công nhất trong việc dựng lại câu chuyện tình lãng mạn này bằng màu sắc và ánh sáng.
Những mảng sáng tối, đậm nhạt tạo nên cái bàng bạc sông nước với con đò và vầng trăng côi cút. Thiên nhiên trong tranh Lan Hương vì thế càng mang đậm hồn quê, hồn dân tộc. Tôi còn thích bức tranh Lan Hương vẽ những ngọn nến hiu hắt lụi tàn trong ngày sinh nhật, hoặc những bông hoa, những thiếu nữ óng ả, mềm mại qua chất liệu sơn dầu trên lụa. Ở Lan Hương còn nổi bật lên chất phóng khoáng đầy thi hứng trong tranh dán giấy hoặc lối cách điệu với một chiều sâu nội tâm thăm thẳm trong nghệ thuật sơn mài. Nếu tranh sơn mài của chị có cái lung linh huyền ảo; tranh lụa nhẹ nhàng, phảng phất dễ huyễn hoặc lòng người thì tranh sơn dầu lại tạo được những cảm xúc mạnh mẽ, gồ ghề, thô ráp của lối sáng tạo đầy ngẫu hứng. Đặc biệt, Lan Hương thành công ở thể loại tranh dán giấy. Bằng những mẩu giấy báo, tạp chí đủ màu sắc, chị đã làm nên những tác phẩm đầy thi hứng với bao sắc màu tinh tế và hiện đại. Mỗi màu sắc, mỗi thể loại như vậy đã tạo nên những cảm xúc riêng trong tranh Lan Hương. Chính vì điều ấy mà các phòng triển lãm (đặc biệt là triển lãm riêng) của Lan Hương đã thu hút khá đông người xem.
Có được những tác phẩm, những lần triển lãm để lại nhiều ấn tượng cho người xem là nhờ ở sự cần cù, ham học hỏi và một chút năng khiếu sẵn có trong một tâm hồn đầy nội tâm và lãng mạn của Lan Hương. Mặc dù vậy, công việc vẽ tranh của chị cũng chỉ là nghề tay trái. Việc chính của Lan Hương là chăm lo cho những mầm non hội họa của tỉnh nhà. Chị đã nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi của trường Trung học văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Định. Ngoài công việc ở trường, họa sĩ Lan Hương đã sống thực thụ với lao động của người họa sĩ là vẽ và vẽ. Bởi, như chị tâm sự, là nó đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống thường nhật của mình.
Là người đã gần bước vào tuổi ngũ tuần, thế nhưng họa sĩ Lan Hương vẫn trẻ trung nhanh nhạy và có lẽ đây là thời kỳ làm được nhiều việc nhất của chị. Điều ấy thể hiện qua hàng loạt tranh, cả hoàn thành lẫn dang dở được treo đầy trong xưởng vẽ của chị. Với phần đời còn lại, thời gian để tìm tòi sáng tạo hẳn là quá ít đối với người nghệ sĩ. Có lẽ vì thế mà Lan Hương đang ngày đêm ngập mình trong những suy tưởng, trong cọ vẽ và trong những mớ chất liệu để chuẩn bị cho phòng triển lãm sắp tới. Hiện nay, Lan Hương là hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam và có lẽ là một trong số ít những họa sĩ của tỉnh nhà có tranh được nhiều nơi ưu ái nhất.
Chúng ta thực sự chúc mừng người nữ họa sĩ của quê hương đã sống được bằng những đam mê và khát vọng của chính mình.
. MAI THÌN |