(Đọc "Cảm nhận dọc hành trình", Nguyễn Văn Chương, NXB Đà Nẵng, 2003)
Nhà thơ Nguyễn Văn Chương, hội viên Hội nhà văn VN, hội viên Hội VHNT Bình Định là người đã có đến vài ba chục đầu sách được in tính từ đầu những năm 70 đến nay. Trong năm 2003 này, anh đã có đến ba cuốn được in. Đó là "Lục bát yêu" (thơ tình), NXB Thanh niên; "Làng" (trường ca), NXB Quân đội Nhân dân; "Quà của bà" (tập truyện), NXB Kim Đồng. Mới đây anh đã cho ra đầu sách thứ tư trong năm, đó là tập tiểu luận "Cảm nhận dọc hành trình".
Có thể xem đây là tập tiểu luận đầu tay của Nguyễn Văn Chương. Bởi anh là người viết khỏe và in nhiều nhưng trước Cảm nhận dọc hành trình, tất cả đều là thơ, văn và truyện thiếu nhi. Bây giờ thì, như tên gọi của tập sách, sau một hành trình dài sống và sáng tác, Nguyễn Văn Chương đã ghi lại những cảm nhận của mình về các nhà văn, nhà thơ và các tác phẩm văn học mà anh yêu quí. Cuốn sách gồm 20 bài tiểu luận, nói theo cách của Nguyễn Văn Chương là đã có 20 lần anh "cảm nhận".
Và đề tài của sự cảm nhận Nguyễn Văn Chương là khá phong phú. Từ thơ Nguyễn Trãi đến Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, từ thơ Trần Tế Xương đến Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh đều có đủ. Bên cạnh những đỉnh thái sơn trong văn học ấy, ngòi bút tiểu luận của Nguyễn Văn Chương cũng rất nâng niu, trân trọng đến những cây bút trẻ ở các hội văn nghệ địa phương tuy chưa nổi đình đám lắm nhưng lại rất nhiệt tình với sáng tác văn học.
Đó là những cây bút đã thành danh hoặc sắp thành danh như Trần Hữu Nghiễm, Trần Quang Lộc, Lê Văn Hiếu v.v.. Trong số họ, có người anh viết khá kỹ, có người anh viết ngắn, nhưng có một cảm nhận chung là trong tiểu luận của Nguyễn Văn Chương, anh đã viết về các bạn văn của mình với tất cả sự nâng niu, trân trọng, rất đồng cảm và đồng điệu. Bởi giữa anh và họ đều là những bạn viết, bạn văn với nhau. Anh đã viết về Trần Quang Lộc, cây văn xuôi Bình Định với những lời ngợi ca nhiệt thành: "Trần Quang Lộc tỏ ra giàu vốn sống nên các chi tiết trong truyện khá hiện thực... ý nghĩa mỗi tác phẩm đều mang một thông điệp cảnh báo hay thức tỉnh con người trước cuộc sống nhiều cám dỗ vật chất. Mạch truyện của anh đi hồn nhiên để người đọc tự ý thức lấy những điều cần thiết".
Phải là người "cùng trong cảnh ấy", cùng từng suy tư trăn trở trước mỗi mạch văn, mỗi nhân vật, mỗi con chữ trong sáng tác, Nguyễn Văn Chương mới có được sự cảm nhận chí tình như thế về những trang văn của Trần Quang Lộc.
Là nhà thơ sống và sáng tác trên mảnh đất Bình Định giàu truyền thống văn học và nghệ thuật, Nguyễn Văn Chương không thể không viết về một "khoảng trời thơ Bình Định". Với anh, Bình Định không chỉ có võ mà còn có cả một Bình Định văn hóa, văn chương với nhiều tên tuổi để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học nước nhà. Đó là những Đào Duy Từ, Đào Tấn, năm cha con họ Nguyễn đất Vân Sơn; đó còn là những cây đại thụ từ phong trào Thơ Mới từng sinh sống hoặc có nhiều gắn bó với đất Bình Định như Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên đã họp nhau lại để làm nên một trường thơ Bình Định.
Qua tiểu luận của Nguyễn Văn Chương, bạn đọc gần xa sẽ thấy trong suốt hành trình đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, khoảng trời thơ của Bình Định luôn có những thế hệ tiếp nối. Và ở thế hệ nào cũng có những vì sao nhấp nháy tỏa sáng trên bầu trời văn nghệ của đất nước.
Đó là những đóng góp đáng kể của tập tiểu luận Cảm nhận dọc hành trình. Tuy nhiên, khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách, ta sẽ thấy phần lớn các bài viết của Nguyễn Văn Chương còn thiếu một chiều sâu nhất định, chưa ngang tầm với một sự nghiên cứu theo đúng nghĩa của từ này. Nói cách khác là nó chỉ mới dừng lại ở mức độ "cảm nhận" như chính tác giả đã nêu. Vì thế mà có những tác giả, tác phẩm đáng lý ra phải được đề cập một cách kỹ càng hơn, thấu đáo hơn, nhưng ở trong sách này chưa có được. Điều đọng lại chính là ở cái tình của tác giả với những gì anh đã thể hiện. Bởi lẽ trong thời buổi hiện nay, không ít cây bút trẻ chỉ vừa mới ngoi lên trong chiếu văn giữa làng, đã chỉ như con công mải mê lo ngắm vuốt mình, thưởng thức chính mình. Còn với Nguyễn Văn Chương thì không phải như vậy. Và vì thế, Cảm nhận dọc hành trình là một cuốn sách đáng trân trọng.
. HÀ TÙNG SƠN |