Trong số các cây bút nữ thuộc lớp sau của Hội nhà văn Việt Nam, Thùy Dương là một người viết khá đều tay. Sau các tập truyện ngắn như: Trong hộp kẹo (1986), Hạnh phúc mỏng manh (1994), Nước mắt chàng khổng lồ (1996), Mưa thiếu nữ (1998), Những người đàn bà đang sống (2001) và tiểu thuyết Tam giác muôn đời (1992), mới đây, Thùy Dương đã cho ra mắt bạn đọc tập Truyện ngắn Thùy Dương.
Những truyện ngắn có mặt trong tập truyện này có lẽ là do Thùy Dương tuyển chọn từ những tác phẩm mà chị cho là được nhất, và sau đó, là những sáng tác gần đây của chị. Cũng vì thế mà có một cảm nhận chung khi đọc Truyện ngắn Thùy Dương ta thấy chất lượng khá đồng đều, truyện nào cũng đọc được và truyện nào cũng có một điều gì đấy để nói.
Đọc sáng tác của Thùy Dương trong những tập trước đây cũng như 33 truyện được chọn in trong lần ra mắt này, thấy ngòi bút của chị thường hướng về miêu tả nội tâm nhân vật, với những tâm trạng, tính cách và cá tính... những điều mà phải qua một quá trình tiếp xúc, sinh hoạt với nhau, con người mới tỏ tường được.
Cũng do vậy mà ở Truyện ngắn Thùy Dương nhìn chung là truyện nào cũng có chiều sâu. Chị thường thiên về lột tả tâm hồn nhân vật, nhất là các nhân vật nữ. Và ở chỗ này, có thể xem là một trong những sở trường của Thùy Dương (cũng phải thôi vì còn có ai hiểu phụ nữ hơn chính phụ nữ!).
Ngay từ các đầu đề của Truyện ngắn Thùy Dương đã nói lên điều đó: Cô tôi, Bùa yêu, Trinh nữ, Khao khát giữa đời, Phận đàn bà, Trái tim bất ổn, Hai người đàn bà, Mưa thiếu nữ, Tóc thề, Linh Cảm... Đó là những tên truyện có khả năng hút mắt người đọc.
Đã là con người thì ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Thế giới phụ nữ cũng như vậy. Thế nhưng có một điều lạ là hình như trong Truyện ngắn Thùy Dương, không có chỗ cho những nhân vật phụ nữ xấu. Tất cả đều là những con người nhân hậu, có tâm hồn và đều có một trái tim luôn đập nhịp với tình yêu. Đó là Lam trong Linh Cảm, là Thủy trong Họ có ba người, là người cô trong Cô tôi, là Thư trong Hoa bưởi đầu mùa...
Những nhân vật ấy mỗi người có một số phận, một đời sống riêng, không ai giống ai, kẻ bất hạnh, người thì hạnh phúc. Nhưng ở họ có một điểm rất giống nhau như trên đã nói, đều là người tốt. Và từ đấy có thể thấy, Thùy Dương là một cây bút hồn hậu, giàu lòng nhân ái. Đọc chị khiến ta nhớ đến những truyện ngắn của Pau tốp ki và Sê khốp: nhìn vào đâu cũng thấy vẻ đẹp của cuộc đời, vẻ đẹp của của con người, đặc biệt là với tâm hồn người phụ nữ.
Sở dĩ phải nhấn nhá đặc điểm này trong truyện ngắn Thùy Dương là vì trong rất nhiều tác phẩm văn học được in ấn ồ ạt ở khắp mọi miền đất nước hiện nay, có những tác giả, trong đó có không ít người vừa đi qua tuổi thiếu niên, được sống giữa lòng đất nước thanh bình, được gia đình và cả xã hội bao bọc, vậy mà đã nhìn đời và miêu tả cuộc sống, con người một cách chua chát, cay độc, cứ như là họ đang rất bất mãn với đời, hoặc chí ít là đang bị cuộc sống và xã hội đè nén, áp bức gì đấy. Những tác phẩm văn học ấy đã đưa người đọc đi về mảng tối của cuộc sống. Đọc họ mà ta thấy buồn, thậm chí thấy hết cả muốn sống.
Với Thùy Dương thì không như vậy. Từ một ngôi Làng bên sông, một Khao khát giữa đời thường, một hương Hoa bưởi đầu mùa đến một Bóng chiều sắp qua, một con Đường trần... tất cả đều thật yên ả dù không thiếu những mâu thuẫn giữa các quan niệm sống, những xung đột giữa các tính cách nhân vật.
Một đặc điểm khác không thể không nói đến khi đọc Truyện ngắn Thùy Dương là ngôn ngữ mà chị đã sử dụng. Đó là một cách viết giản dị, chân phương mà vẫn để lại nhiều ám ảnh cho người đọc. Lẫn trong những trang viết đằm thắm đầy nữ tính của Thùy Dương, đó đây vẫn lấp lánh những ý tưởng được tác giả diễn đạt thật rõ nét. Chẳng hạn những dòng sau đây trong truyện Mưa thiếu nữ: "Thà được năm, mười năm hạnh phúc còn hơn suốt đời đi bên hạnh phúc". Đó thực sự là một ý tưởng của sự nổi loạn trong tình cảm. Hơn thế đó còn là một quan niệm khá táo bạo trong nhận thức về con đường đi tới hạnh phúc cuộc sống. Một ý tưởng ai đọc lên cũng thấy có lý nhưng chưa hẳn đã dám biến nó thành hiện thực.
Tuy vậy, đọc Truyện ngắn Thùy Dương lần này, vẫn có trường hợp khiến độc giả không khỏi băn khoăn. Đó là truyện Nước mắt chàng khổng lồ.
Trong tác phẩm chỉ có độ dài vừa đúng một trang sách in này, Thùy Dương đã đưa vào một cốt truyện có vẻ như thần thoại, lại thêm sự bí hiểm. Về thể loại thì hình như không phải là truyện ngắn mà gần với thơ văn xuôi hơn. Ý tưởng thì rõ nhưng xét về đặc trưng của thể loại truyện ngắn thì chưa đầy đủ. Có lẽ Nước mắt chàng khổng lồ là một thể nghiệm trong sáng tác của Thùy Dương. Nhưng dù sao thì bạn đọc vẫn thích lối viết đã trở thành truyền thống của chị hơn.
Sinh quán ở Hải Dương, làm dâu đất xứ dừa Bình Định, tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa IV, lại vừa đi qua tuổi bốn mươi, hẳn là sự chiêm nghiệm về cuộc sống, về sáng tác của Thùy Dương đang ở độ sung mãn. Mong sớm được gặp lại Thùy Dương ở những sáng tác tiếp theo của chị.
. HÀ TÙNG SƠN
* (Đọc Truyện ngắn Thùy Dương, NXB Văn học, 2003)
|