Thương nhớ đồng quê
16:17', 17/11/ 2003 (GMT+7)

Trong tâm thức những đứa con của đồng ruộng xa quê, hình ảnh quê nhà với cây đa, bến nước, lũy tre làng cùng những tiếng gà trưa gáy khan một góc vườn… dường như bao giờ cũng là nỗi niềm khắc khoải. Đôi khi đó chỉ là những khoảnh khắc chạnh lòng vu vơ không nguyên cớ, một vài giây lóe sáng trong tiềm thức khi cảm xúc gặp cơ hội dâng trào, nhưng những giây phút quý giá ấy lắm khi lại đủ sức sưởi ấm hồn người, giúp người ta không quên nguồn cội, có một cái đích để trở về. Tập tạp văn Mùa hoa cải vàng của Ngô Văn Phú là kết tinh của những khoảnh khắc, những phút giây quý giá ấy.

Có ngôi làng Bắc bộ nào không có lũy tre nhỉ! Lũy tre trong ký ức tuổi thơ giống như ranh giới của một tầm nhận thức, vượt ra bên ngoài là một cuộc sống khác với biết bao điều mới lạ. Lũy tre trở thành đối tượng khám phá, quan sát bởi gắn với nó là cuộc sống của con người và nhiều sinh vật khác: những đàn cò lấy đây làm nơi cư trú, một vài ổ chồn, nơi đàn trâu hóng mát những trưa hè… Tre hóa óng chuốt mọc thẳng, ngọn không dày và rậm như tre gai. Cả năm xanh một màu xanh thẫm, đầy sức sống. Và đến mùa đổi lá thì toàn bộ tán xanh chuyển thành một màu vàng nhạt. Khi những trận gió mùa đến lay gốc, cả một tầng lá trút xuống, bay theo từng dải vàng. Và trong tôi lưu đọng mãi một vẻ đẹp, một nỗi buồn, của một vật thể hết một vòng đời đang vùng vẫy, đắm đuối với trời cao, mây gió và ngang tàng với mưa bão, với lốc bụi phải trở về với đất, theo lẽ hoàn toàn tự nhiên (Lũy làng, trang 20). Lũy tre làng trở thành một thế giới đầy thú vị, thơ mộng trong tâm thức của tác giả, và ngay chúng ta khi đọc những dòng tạp văn này không ít người sẽ liên tưởng đến tiếng kẽo kẹt của rặng tre già nơi chôn nhau cứt rốn của riêng mình, một nỗi nhớ dịu êm nhẹ nhàng len vào tâm hồn, nhen lên cảm giác ngọt ngào của những ngày xưa thân ái.

Có thể giờ đây mong ước được lội qua một con mương quê, đầm mình trong mùi hương lúa trổ đòng đã trở thành ước mong khó đạt được, nhất là khi mà các tiến bộ khoa học đã đẩy công việc đồng áng đến với những khái niệm mới nhưng dẫu vậy, mấy ai lại không xao lòng khi nghe tác giả tâm sự về một thú vui vừa cổ kính vừa quê mùa. Tôi thích một mình đi trên đồng lúa mùa thu ở quê hương, bước rất nhẹ trên cỏ êm, để nhìn những bầy ngói no nê, đứng nghiêng mắt trên bờ cỏ thu xanh đậm, nhìn lên trời xanh như để chờ lệnh của con chim đầu đàn, bay lên, làm một cuộc du ngoạn dài ngày ở những miền quê phía Nam mà chim thường khao khát (Chim ngói đã bay về, trang 27). Mùa thu là mùa đem lại cho con người nhiều cảm hứng, nhận thức về chu kỳ đồng thời sinh sôi trong tàn úa, lá vàng với chồi non, có lẽ mùa thu Bắc bộ gây cho người ta nhu cầu quan sát hành trình vận động của thiên nhiên còn nhiều hơn cả mùa xuân. Không phải là không có lý nếu nhớ lại cảm giác đợi chờ đêm trung thu. Buổi chiều, khi cho trâu vào chuồng, đóng dõi, tôi đã ngửi thấy mùi nhang thơm bay ra ngào ngạt. Mẹ tôi đã nấu cỗ và đang cúng gia tiên. Rằm trung thu ở thôn quê là tết của cả người lớn chứ chẳng riêng gì trẻ con, bởi vì, cữ tháng tám, bão lụt đã qua, lúa mùa đang hứa hẹn một vụ gặt tốt, thì ăn tết trung thu cũng là một cách mừng những hứa hẹn tốt đẹp trong năm. Vả lại cả năm có một tháng trăng trong, gió mát lại không có một ngày nghỉ ngơi tết nhất  thì cũng phí hoài. (Rằm Trung thu, trang 206).

Sẽ rất vô duyên nếu tìm cách đi dọc lại những cảm xúc mà tác giả đã trải lòng mình ra trên từng trang viết. Đọc tạp văn của Ngô Văn Phú, điều mà có lẽ ai cũng dễ dàng có được ấy là cảm giác chia sẻ. Dường như cái việc mà người ta phải mất khá nhiều thời gian ngay cả khi đối diện mà trình bày trực tiếp, đó là đi tìm sự đồng cảm đã được những trang văn mộc mạc, chân tình, nặng trĩu một nỗi lòng hoài nhớ thực hiện một cách dễ dàng. Làm sao không chạnh lòng với những nhận xét vô cùng tinh tế về hoa nhài khi mà tác giả gợi lên, thoạt đầu cứ tưởng đó chỉ là một chút, một thoáng lao xao nhưng đi trọn dòng cảm xúc cùng tác giả bỗng nhiên trong ta lại bật lên câu hỏi một mình - có còn không trong tâm hồn ta một bông nhài thơm ngát tuổi thiếu thời. Hoặc với câu chuyện Ván ô ăn quan, nếu ai đã từng một lần cùng bạn bè chơi trò này thời thơ ấu chắc hẳn sẽ phải tự hỏi lòng mình – bạn cũ thời niên thiếu của ta ơi, bây giờ bạn ở đâu, no đói thế nào, bạn có còn nhớ trò chơi của mình chăng? Cố nhiên dòng cảm xúc khi đọc Mùa hoa cải vàng không chỉ toàn những bè trầm u hoài, vẫn không thiếu những nốt nhạc reo cao, vang vọng. Người đọc có thể mỉm cười một mình khi đọc Kiếm cá mùa thu 1,2 và lần lượt nhớ lại cách câu cả quả, cá rô thế rồi thú vui xưa trỗi dậy, chợt hẹn rằng mùa thu tới ta sẽ đi câu... Ô hay, vào thu thế là đã đến độ cá béo múp lắm rồi đây, hẹn là chỉ để hẹn thế thôi chứ quê nhà thì xa ngái, đặt trang sách xuống mà lòng vẫn cứ thầm ao ước.

Mùa hoa cải vàng của Ngô Văn Phú không phải là một cuốn sách lớn ôm vào lòng những ước vọng lớn nào đó. Đơn giản, nhẹ nhàng, giản dị là cái cách mà tác giả chia sẻ tâm tình với người đọc. Nhưng đọc một vài mẩu tạp văn chắc không ít người sẽ thấy lòng mình bỗng dưng cồn cào nỗi nhớ quê xa, một nỗi nhớ vừa trong trẻo vừa mông lung huyền ảo. Đã bao lâu rồi trong giấc mơ của bạn không có hình bóng quê nhà?

. KIỀU PHONG

* Đọc Mùa hoa cải vàng, tác giả: Ngô Văn Phú. Nxb Hà Nội ấn hành.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhịp cầu trẻ con  (16/11/2003)
Em vẫn đợi anh về  (16/11/2003)
Bẫy chim  (14/11/2003)
Về bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn"  (13/11/2003)
Thêm một sân chơi văn học - nghệ thuật  (12/11/2003)
Những truyện ngắn hay mang đầy nữ tính *   (11/11/2003)
Hình ảnh Bác Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc thiểu số qua ca dao   (10/11/2003)
Vợ và… nhậu   (09/11/2003)
Nỗi buồn rực rỡ  (07/11/2003)
Sự cảm nhận và cái tình văn nghiệp  (06/11/2003)
Điều anh không biết  (05/11/2003)
Ấm nồng   (05/11/2003)
Họa sĩ Lan Hương - sống và đam mê  (04/11/2003)
Tiếng còi tàu  (03/11/2003)
Thơ văn học sinh - sinh viên: đôi điều cảm nhận  (02/11/2003)