Không có gì mới mẻ về thi pháp, về hình tượng thơ, về ngôn từ… mà đọc xong Về thăm nhà cũ, tôi không thể đặt bài thơ xuống một cách lạnh nhạt. Có một điều gì đó thức gọi, nhoi nhói trong tim. Nhà thơ Xuân Mai đã chạm đến một nỗi lòng sâu kín của nhiều người khi "về thăm nhà cũ" mà cha mẹ đã khuất núi:
Mới đó mà đã thành xưa cũ
Ngôi nhà vắng lặng bóng song thân
Lá dừa xào xạc nghìn cơn gió
Cha Mẹ ngày đêm vẫn tảo tần
Về thăm nhà cũ
Mới đó mà đã thành xưa cũ
Ngôi nhà vắng lặng bóng song thân
Lá dừa xào xạc nghìn cơn gió
Cha Mẹ ngày đêm vẫn tảo tần
Cây mận hồng đào quên bói quả
Xoài không đơm nụ lúc xuân sang
Cành ổi hôm nào chi chít trái
Bão giông một nhánh đã khô vàng
Đông Tây hai phía tường hiu quạnh
Cỏ dại rêu phong bóng ngả chiều
Tiếng ai ru trẻ còn vang vọng
Chó sủa ngoài hiên, tiếng dế kêu
Nhà cũ ngày xưa có mẹ cha
Cháu con đông đủ giỗ ông bà
Nói cười ríu rít từ đầu ngõ
Bếp ấm vươn dài làn khói xa
Nhà xưa quen lối con về lại
Nắng rót vàng mơ buổi xế tà
Giếng vẫn trong xanh làn nước mạch
Thăm thẳm nguồn ân nghĩa Mẹ Cha.
. Xuân Mai
(Trong tập "Dòng sông thao thức" NXB Hội Nhà văn –2000) |
Hai từ "cha mẹ" được chị viết hoa một cách trân trọng như là một dụng ý nghệ thuật.
Khổ thơ như một tiếng thở dài của người con gái theo chồng về nhà chồng nay trở về thăm mẹ, thăm cha thì mẹ cha không còn nữa, chỉ còn nghe tiếng "lá dừa xào xạc nghìn cơn gió" và trong nỗi hư tưởng, chị thấy như "Cha Mẹ ngày đêm vẫn tảo tần". Hình ảnh cha mẹ tảo tần ấy đã trở thành một ám ảnh không nguôi trong lòng chị và lần "về thăm nhà cũ" này, khi nhận ra đó chỉ còn là một hư ảnh, lòng chị càng cay đắng, tái tê.
Chị thấy mình bơ vơ trước mảnh vườn nhà hôm qua còn tươi xanh, đầm ấm mà hôm nay đã tê tái, thê lương:
Cây mận hồng đào quên bói quả
Xoài không đơm nụ lúc xuân sang
Cành ổi hôm nào chi chít trái
Bão giông một nhánh đã khô vàng.
Một khổ thơ 4 câu mà mở ra hai chiều tâm tưởng. Hai câu đầu gợi lên cái ý cây như cũng biết buồn vui với người, khi "ngôi nhà vắng lặng bóng song thân" thì cây cũng "quên bói quả", "không đơm nụ". Cái ý này, nhiều nhà thơ đã nói rồi, đã đi vào tình cảm máu thịt của bạn đọc nên dù nói lại, nỗi niềm ấy vẫn được chấp nhận một cách thoải mái.
Còn hai câu cuối cũng gợi lên nỗi buồn như hai câu đầu nhưng đây lại là sự tàn phá do thời gian gây nên. Hai câu thơ như một sự tương phản, một sự đối lập:
Cành ổi hôm nào chi chít trái
Bão giông một nhánh đã khô vàng.
Những âm thanh có thật hay chị đang hồi tưởng như: tiếng ai ru trẻ, chó sủa, dế kêu có làm đỡ đi được một chút nào cái cảnh hai phía tường hiu quạnh/ cỏ dại rêu phong/ bóng ngả chiều nhưng cũng không thể làm cho lòng đứa con vui lên một chút, đúng là "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" (Nguyễn Du).
Chị nhớ lại cảnh nhà vui vẻ, đầm ấm khi mẹ cha còn sống như một niềm tiếc nuối.
Nhà xưa quen lối con về lại
Nắng rót vàng mơ buổi xế tà
Giếng vẫn trong xanh làn nước mạch
Thăm thẳm nguồn ân nghĩa Mẹ Cha.
Hai câu kết thật đằm thắm. Hình tượng thơ làm sáng cả bài thơ lên. Ân nghĩa, công đức của mẹ cha đối với con, cháu như mạch nước trong đất không bao giờ cạn, đời này qua đời khác vẫn trong xanh. Đó là cái mạch nguồn vững bền, âm ỉ nối tấm lòng thế hệ trước với thế hệ sau để đất nước và nhân dân trường tồn, vĩnh cửu.
*
"Về thăm nhà cũ" là một bài thơ được viết bằng chân tâm, chân cảm. Tác giả nhớ thương, xúc động và ghi lại lòng mình bằng một lối viết giản dị, chân thật như không hề… làm thơ! Bài thơ riêng của một người mà nói hộ được cho nhiều người!
NGUYỄN BÙI VỢI
|