Trần Hoàn - cánh chim phiêu bạt thời gian đã về cõi thiên thai
17:6', 26/11/ 2003 (GMT+7)

Nhạc sĩ Trần Hoàn

"Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây..." - những lời ca trong bài hát Sơn nữ ca hình như lại "ứng" vào cuộc đời của tác giả dù bài hát ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ (1948). Từ một anh học sinh, trở thành người chiến sĩ hừng hực lý cách mạng rồi mang trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo, nhạc sĩ Trần Hoàn đã đi rất nhiều, "cánh chim - nhạc sĩ" này hầu như đã bay khắp mọi miền đất nước, kể cả các châu lục xa xôi. Những vùng đất ông đã đến, đã đi qua bằng cảm giác, bằng những xúc cảm của riêng mình, đều đọng lại thành dấu ấn đậm nét trong những tác phẩm của ông. "Cánh chim" ấy đã có gần 60 năm "phiêu bạt thời gian" trong bầu trời âm nhạc. "Thời gian" ấy - dẫu có một giai đoạn mịt mù bom đạn, vẫn bay vun vút, không mệt mỏi! Số ca khúc của Trần Hoàn đến nay đã vượt trên con số 1000 - một con số thật đáng thán phục! Trong đó có nhiều ca khúc đã vượt thời gian như: Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Một mùa xuân nho nhỏ, Lời ru trên nương, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa….

Trần Hoàn sinh ở Quảng Trị, huyện Hải Lăng nổi tiếng với câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: "Hải Lăng mồ chôn thôn xóm - cát trắng ven làng máu hoen - dân làng yên vui - giặc lên tàn phá…". Nhạc sĩ vào tuổi thanh xuân lúc đất nước vào cuộc kháng chiến và nổi tiếng với bài "Sơn nữ ca". Đam mê nhạc sĩ Văn Cao đến nỗi, chàng thanh niên Nguyễn Tăng Hích ấy đã lấy chữ "trần hoàn" trong câu "Lưu Nguyễn  quên Trần Hoàn" ở ca khúc "Thiên Thai" nổi tiếng của Văn Cao làm tên tác giả âm nhạc cho mình. Và cái tên ấy gắn bó với ông, để chúng ta có một nhạc sĩ Trần Hoàn như ngày hôm nay. Năm 16 tuổi ông đã viết được những ca khúc đầu tay như: Trên đường về, Học sinh vui tươi... 17 tuổi đã có bài hát đầu tiên được xuất bản (Hồn nước - 1946). Nhạc sĩ Trần Hoàn cho biết: "Tôi tự học là chính, chỗ nào chưa hiểu thì có nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (tác giả Đêm đông) giúp đỡ. Thế hệ chúng tôi lúc đó đâu có điều kiện để học âm nhạc theo kiểu chính quy như bây giờ".

"Sơn nữ ca" hay tính hồn nhiên của những cô gái đi kháng chiến đã làm thức dậy những khoảnh khắc lãng mạn trong tâm hồn người trai dọc lối mòn kháng chiến. Kể về hoàn cảnh ra đời của bài "Sơn nữ ca", ông thật thà tiết lộ: "Tôi viết Sơn nữ ca lúc 20 tuổi, khi vừa được kết nạp Đảng. Thấy dáng vẻ học sinh non nớt của tôi, người chỉ huy khuyên "Đi vào mà tắm lửa đi đã!" - vào là... vào chiến khu. Vậy là tôi vào hẳn chiến khu Quảng Bình. Ở đó, có những đêm lửa trại rất lớn và tôi luôn được các cô nữ sinh Trường Phan Bội Châu (trong chiến khu) chú ý bởi tài đàn hát của mình. Bị các cô "đeo bám' quá tôi làm Sơn nữ ca để bày tỏ chí hướng của mình: "Sơn nữ ơi! làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi! Thời cơ đến rồi, đợi ngày ra tay". Thật ra, các cô đều là nữ giữa chiến khu nên tôi gọi các cô là "sơn nữ" cho... thi vị!".

Nhiều bài hát của ông đã trở thành món ăn tinh thần cho nhiều thế hệ yêu âm nhạc, trong đó không thể không kể đến ca khúc "Lời người ra đi" với tên gọi đầu tiên là "Kháng chiến trường kỳ". Ca khúc "Lời người ra đi" – theo nhạc sĩ cho biết là lời tạm biệt của ông với người vợ mới cưới Thanh Hồng để đi vào chiến khu. Đây là mối tình rất đẹp. "Thì cũng gặp gỡ, yêu nhau, cưới nhau... như mọi người vậy thôi. Mà. .. đẹp thật! - nhạc sĩ Trần Hoàn tiết lộ - Chúng tôi xa cách nhau đến 17 năm (5 năm trong kháng Pháp, 12 năm trong chống Mỹ) mà vẫn sắt son chờ đợi nhau, vẫn giữ lòng chung thủy... Trong "Tuyển tập ca khúc Trần Hoàn", nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết rất rõ về sự ra đời của "Lời người ra đi" của tôi rồi".

Bài hát Một mùa xuân nho nhỏ (phổ thơ Thanh Hải) được ông sáng tác  trong thời kỳ làm phụ trách tuyên huấn tỉnh Bình Trị Thiên. Vào năm 1975, "giữa lúc chúng tôi đang ngỡ ngàng, tràn ngập niềm vui chiến thắng, niềm vui giải phóng thì lại nghe tha thiết: "Mùa xuân! Một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời…". Bài thơ của Thanh Hải đã được Trần Hoàn đồng cảm đến từng hơi thở. Một cảm giác lâng lâng rất thực, không "đại ngôn" dẫn vào hồn người đang thanh bình phơi phới" - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha hồi tưởng lại như thế.

Nhiều ca khúc của Trần Hoàn rất thành công phần nhiều mang âm hưởng dân ca, kể cả dân ca miền núi như "Lời ru trên nương", phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã nói rõ vì sao ông chịu ảnh hưởng của dân ca nhiều đến thế: "Dân ca Việt Nam hết sức độc đáo và rất phong phú. Mỗi vùng, mỗi miền đều có nét đặc sắc riêng. Một kho tàng bất tận cho các nhạc sĩ khai thác, có điều khai thác làm sao cho tốt nhất, hiệu quả nhất. Tôi đặc biệt "mê" dân ca Nghệ Tĩnh. Mà. .. lạ thật, dân ca Nghệ Tĩnh làm sao hay bằng quan họ, cũng không phong phú bằng dân ca Trị Thiên, vậy mà nó cứ thấm, cứ quặn vào lòng. Có lẽ do "nhiễm" điệu ru của mẹ, hơn nữa vợ tôi là dân Nghệ Tĩnh. Tôi nhớ nhà thơ nữ Thúy Bắc (em ruột nhà văn Hoài Thanh) người Nghi Lộc (Nghệ An) có đưa tôi phổ 2 bài thơ của chị: bài "Em đi rồi" phổ theo dân ca Huế và "Vỗ bến Lam chiều" theo dân ca Nghệ Tĩnh. Tôi phổ xong, chưa kịp đưa thì nhà thơ đã mất. "Vỗ bến Lam chiều" được Hương Mơ hát lần đầu tiên, rất xúc động trong đêm tưởng niệm Thúy Bắc giữa các thân hữu."

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã nói về nhạc sĩ Trần Hoàn như sau: "Cái đáng nhớ nhất ở những giai điệu Trần Hoàn không phải sự lạ, sự già dặn mà là sự trẻ. Nghe anh từ "Bà Ba", "Con trâu kháng chiến" đến "Chào mùa xuân", "Khúc hát người Hà Nội", vẫn thấy một cái gì thật hồn nhiên, thanh xuân không thay đổi. Sinh ra 10 năm trước thời khởi ra tân nhạc, 17 tuổi mang trong trí nhớ những Thiên Thai, Suối mơ, gia nhập cách mạng, chàng thanh niên Nguyễn Tăng Hích đã làm nên một nhạc sĩ Trần Hoàn với những sáng tạo riêng biệt".

Mê Thiên Thai, mới đây, Trần Hoàn đã đi vào cõi Thiên Thai….

KHẢ XUÂN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đọc lại Góc sân và khoảng trời  (25/11/2003)
Biểu tượng con cò - chim quyên với khát vọng tình yêu  (24/11/2003)
Ðiện thoại lúc nửa đêm   (23/11/2003)
Về hưu  (21/11/2003)
Tiếng thở dài của một người con gái  (20/11/2003)
Bài thơ thời con gái  (19/11/2003)
Lục bát mùa đông  (19/11/2003)
Kẻ sĩ đất thang mộc  (18/11/2003)
Thương nhớ đồng quê  (17/11/2003)
Nhịp cầu trẻ con  (16/11/2003)
Em vẫn đợi anh về  (16/11/2003)
Bẫy chim  (14/11/2003)
Về bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn"  (13/11/2003)
Thêm một sân chơi văn học - nghệ thuật  (12/11/2003)
Những truyện ngắn hay mang đầy nữ tính *   (11/11/2003)