Lần đầu tiên tôi gặp ông Trần Hoàn là ở Huế, cách đây đã trên 20 năm rồi. Khi ấy hình như ông là lãnh đạo gì gì đó tôi không nhớ, của tỉnh Bình Trị Thiên. Tôi chỉ ấn tượng về việc ông ôm đàn hát ở Hội Văn nghệ, cho sinh viên nghe những bài hát ông phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm và thơ Thanh Hải. Đó là các bài "Lời ru trên nương" và "Một mùa xuân nho nhỏ", là những ca khúc đặc sắc của âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Sau này, do công việc, tôi được tiếp xúc nhiều với ông Trần Hoàn và ấn tượng ngày nào vẫn không hề phai nhạt, đó là giọng nói ấm áp, và nụ cười sôi nổi. Báo chí đã viết nhiều về ông, rằng từ lúc bước vào tuổi 18 đến tận cuối đời, công việc chính của ông là công việc một cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ địa phương tới Trung ương chứ không phải của một nhà hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Nhưng suốt cuộc đời, không lúc nào ông xa rời âm nhạc dù là khi làm cán bộ tuyên truyền cơ sở hoặc đảm nhận các chức vụ Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng, Khu ủy viên Trị Thiên - Huế, Phó Bí thư thành ủy Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT, Phó Ban tư tưởng Văn hóa Trung ương hay Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam… 75 tuổi đời với 57 năm hoạt động ông đã có một gia tài nghệ thuật với trên 1.000 ca khúc và trở thành một trong những nhạc sĩ lớn có nhiều ca khúc được công chúng hâm mộ. Có thể kể tên một số ca khúc nổi tiếng có sức sống lâu bền với thời gian như Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Kể chuyện người cộng sản, Lời ru trên nương, Một mùa xuân nho nhỏ, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Khúc ca người Hà Nội, Thăm bến Nhà Rồng… Khi được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, ông tâm sự: "Tôi xin cám ơn cách mạng, cám ơn Nhân dân đã giành cho tôi vinh dự to lớn này. Tôi cũng nhớ và hết sức biết ơn các anh Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương là những người thầy âm nhạc đầu tiên của tôi. Bài "Học sinh vui tươi", sáng tác đầu tay năm tôi 17 tuổi đã được các anh góp ý, sửa sang và bất ngờ giành được một giải thưởng nho nhỏ ở Huế tháng 12-1945. Từ đó, tôi hiểu ra một điều "Âm nhạc đâu chỉ giành cho người giàu" và tôi lại say sưa viết tiếp và đầu năm 1946 tôi lại được giải thưởng với bài "Hồn nước". Bài hát này được vinh dự gửi tặng Bác Hồ khi người đi dự Hội nghị Phông-ten-bơ-lô (…). Trong số 14 nhạc sĩ được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 và đợt 2: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp và tôi, tôi là người ít được đào tạo và ít được sống chuyên với âm nhạc nhất. Tôi làm nhạc được chủ yếu là nhờ tự học, vừa làm vừa học. Thực ra thì vào thời chúng tôi, rất ít người được đào tạo chính quy, hầu hết đều tự học. Tôi lại đam mê đàn hát từ nhỏ do gia đình tôi là một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Sau hòa bình lập lại năm 1954, nhiều anh em trong chúng tôi được đưa đi đào tạo chính quy trong và ngoài nước, riêng tôi vẫn phải tiếp tục tự học vì được phân công làm công tác Đảng và chính quyền ở miền Bắc rồi vào phục vụ chiến trường miền Nam".
Ở ông Trần Hoàn, sự xởi lởi chân tình đã phá bỏ những khoảng cách để tạo niềm khích lệ, điều ấy hẳn là đặc điểm của văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử được hình thành từ căn bản của "Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa" (Nguyễn Đình Thi). Cách đây mấy năm, tôi đã cùng ông hành hương về đất Lâm Hà, một huyện mới thành lập sau giải phóng, ân nghĩa của Hà Nội và Lâm Đồng. Tôi hết sức ngạc nhiên về việc nhân dân đổ về trụ sở huyện nồng nhiệt nắm tay, hỏi thăm sức khỏe, rưng rưng nước mắt mừng cuộc đoàn viên với ông Trần Hoàn. Cuộc gặp gỡ cảm động của nhân dân và cán bộ mà tưởng như cuộc gặp gỡ giữa gia đình và người thân đi xa lâu ngày trở lại. Hỏi ra, tôi được biết những người Hà Nội trẻ theo tiếng gọi của Đảng ngày ấy lên xây dựng cao nguyên, giờ họ đã nên ông nên bà. Và ngày ấy, trong đêm giao thừa, ông Trần Hoàn với tư cách là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có mặt ở Lâm Hà ăn cái tết "rừng hoang sương muối" với bà con. Bà con còn nhắc nhở mãi là hồi ấy ông Trần Hoàn từng bảo khi nào còn một giọt nước mắt nhớ nhà của bà con, ông sẵn sàng đem khăn mù soa lau khô. Trong cảnh hoang vu xa lạ của núi rừng trùng điệp, cây đàn guitare và tiếng hát Trần Hoàn vượt qua mưa đá, sương muối, vượt qua beo gầm vượn hú để góp phần tạo dựng cho một thế hệ đầy lý tưởng chút niềm tin son sắt của chân cứng đá mềm. Tôi hiểu, những lúc như vậy nhà chính trị và nhà nghệ sĩ trong ông đã hòa làm một.
Ở các Hội nghị Văn học nghệ thuật những năm qua, khi tổ chức ở Hà Nội, khi ở Cần Thơ, khi ở Đà Lạt, khi ở thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Hà Xuân Trường… nhạc sĩ Trần Hoàn lúc nào cũng là người được anh chị em các Hội Văn nghệ địa phương "nhờ vả" nhiều nhất vì biết ông có ưu điểm năng nổ hoạt bát và thông thạo công việc hành chính hơn cả. "Nhờ vả" ông ở đây có nghĩa là thúc ông tổng hợp được nguyện vọng của anh em, góp phần tham mưu cho Đảng ra Nghị quyết và Chính phủ thể chế hóa, giúp cho hoạt động của các Hội đỡ bấp bênh, ngày càng quy củ và khởi sắc. Hiệu quả của ông Trần Hoàn trong bộ máy lãnh đạo của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nhiều người đã thừa nhận. Ông chân tình kể lại, Thủ tướng Chính phủ sau khi gặp ông, biết ông đã ngồi đúng một buổi để chờ, áy náy bảo: "Anh Trần Hoàn, anh đến sao không báo để gặp ngay". Ông cười hồ hởi: "Không, Trần Hoàn phải giữ đúng nguyên tắc, chờ đợi các Bộ ngành đăng ký trước làm việc trước, Thủ tướng không nên có biệt lệ cho riêng tôi".
Nhà hoạt động văn hóa văn nghệ Trần Hoàn, nhà quản lý Trần Hoàn, nhạc sĩ Trần Hoàn với tầm vóc và "diện phủ sóng" của mình có thể để lại nhiều ấn tượng nơi này nơi kia người này người nọ. Với riêng tôi, nhất là những năm vừa qua, sự ưu ái của ông đã tạo ra những tình cảm khó phai mờ. Tiếng gõ cửa, tiếng chuông điện thoại, nụ cười ân cần dù không còn được lặp lại nhưng lòng cảm mến trân trọng mà con người giành cho nhau trong cuộc đời này vốn không bao giờ thừa thãi. Mái nhà ấm áp của tổ chức văn học nghệ thuật Việt Nam đã lần lượt mất đi nhiều trụ cột theo quy luật đời người nhưng ý nghĩa tỏa bóng và chở che thì không bao giờ vơi cạn. Gia sản tinh thần của đất nước, tinh anh của nền văn học nghệ thuật dân tộc mà họ góp phần sáng tạo nên không bao giờ lìa bỏ tâm hồn đồng điệu của nhân dân, cho dù hơi thở cuối cùng đã đặt dấu chấm cho thể phách của họ, ở một thời điểm bất kỳ nào đó.
NGUYỄN THANH MỪNG |