Ca dao là tiếng hát tâm tình của người lao động một nắng hai sương. Rung cảm trước vẻ đẹp của núi sông mỹ lệ, nghệ sĩ dân gian không chỉ muốn thể hiện qua ca dao mối quan hệ gắn bó của mình với thiên nhiên mà còn gửi gắm vào đó tình yêu tha thiết đối với con người, quê hương xứ sở. Bài ca dao Bình Định có đá Vọng Phu thuộc hệ thống này.
Bình Định có đá Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh
Em về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
Đây là bài ca dao trữ tình của người dân lao động sống ở vùng duyên hải phía nam Bình Định.
Ngoài bản sưu tầm của Huỳnh Triếp - Nguyễn Hữu Có - Nguyễn Danh Phương in trong cuốn Ca dao Bình Định (Sở VHTT Bình Định xuất bản năm 1993 nêu trên), còn có một dị bản khác đang được lưu truyền trong dân quê ở phía nam Bình Định. Dị bản thứ hai này thay chữ "Em" bằng chữ "Ai": Ai về Bình Định cùng anh, làm cho tính phiếm chỉ về đối tượng trữ tình cao hơn, nên nội dung bài ca nghiêng về ca ngợi quê hương chứ không hẳn là lời mời tế nhị của chàng trai nào đó.
Bài ca được cấu tứ theo thể phú nhằm phô diễn vẻ đẹp, vẻ phong phú của quê hương mình và ngỏ lời mời tế nhị tựa hồ như thoảng qua của chàng trai Bình Định với cô gái phương xa.
Trong kho tàng ca dao Việt Nam có hiện tượng khá phổ biến là các tác giả ca dao khi sáng tác thường dựa vào những khung cấu trúc sẵn có trong truyền thống, rồi thay đổi ít nhiều để thể hiện một nội dung mới cho phù hợp với con người và hoàn cảnh mới. Các nhà nghiên cứu văn học dân gian gọi đó là những mô-típ.
Bài ca trên theo mô-típ hai câu đầu là tả cảnh, hai câu sau là gợi tình. Mô-típ này thường thấy trong ca dao cả nước cũng như ca dao Bình Định. Xin nêu vài ví dụ:
- Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…
- Bình Định có núi vọng phu
Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh
Có Cân, có Cỏ, có Gành
Có non, có nước, có mình, có ta
- Bình Định có đá Vọng Phu
Có núi Thiết Đính, có cầu Tân An
Trai anh hùng dạo hết giang san
Kiếm người thục nữ dịu dàng sánh đôi.
Các bài ca dao sáng tác theo mô-típ này thường ngắn gọn, gợi cảm, lời ít ý nhiều, chứa đựng những hình ảnh quen thuộc với đời sống dân dã.
Ngôn ngữ nghệ thuật trong ca dao cũng như trong thơ đều được tổ chức theo hai phương thức tạo hình và biểu hiện. Phương thức tạo hình là trực tiếp miêu tả các hiện tượng của hiện thực, vẽ nên bức tranh về cuộc sống mà ta thường thấy trong sử thi và trường ca. Còn phương thức biểu hiện không chủ định tạo ra bức tranh về cuộc sống, mà qua chất liệu ngôn ngữ của tác giả nó biểu hiện những cảm nghĩ nhất định của con người, thể hiện cách nhận thức đánh giá của con người đối với cuộc sống.
Trở lại bài ca dao trên, ở hai câu đầu tác giả đưa vào các địa danh sau động từ "có" được lặp đi lặp lại: đá Vọng Phu, đầm Thị Nại, Cù Lao Xanh mà không miêu tả gì thêm, vì các địa danh này đã in đậm trong tiềm thức của người Bình Định, và mỗi địa danh là một hình ảnh ẩn chứa một tần số văn hóa cao.
Hòn Vọng Phu hàm chứa một cổ tích ca ngợi phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ - phẩm chất của người vợ thủy chung với chồng tới cùng cực. Từ Lạng Sơn, Thanh Hóa cho đến Bình Định và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có lẽ ở đâu có núi lan ra tận biển là ở đấy có hòn Vọng Phu. Và cũng có lẽ không ở đâu có nhiều hòn Vọng Phu gắn với sự tích của một mối tình ngang trái như ở nước ta...
Nàng Vọng Phu Bình Định đứng trên đỉnh núi trông ra Biển Đông chẳng quản tháng năm, chờ chồng đến hóa đá nên ngọn núi nàng đứng chờ chống được dân gian gọi là Núi Bà. Hình ảnh nàng còn đi vào vè thủy trình của các lái ngày xưa:
Hòn núi Kẻ Thử (*) có người bồng con
Nhớ lời thề nước hẹn non
Bồng con tạc đá ghi son để đời
(Hát Vô)
Ngó vô Cách Thử thương ôi
Trông chồng hóa đá, tích đời còn ghi
(Hát Ra)
Nói tới hòn Vọng Phu là nói tới lòng thủy chung son sắt - một nhân cách cao đẹp của người phụ nữ Bình Định.
Đầm Thị Nại, nơi hai con sông Côn và sông Hà Thanh đổ ra biển, không chỉ là một thắng cảnh có tự ngàn xưa mà còn là một vịnh biển mang nhiều dấu tích lịch sử. Bao trận thủy chiến thư hùng đã diễn ra trên vùng sóng nước này, đặc biệt là những trận thủy chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh đã để lại nhiều truyền thuyết, nhiều giai thoại về lòng dũng cảm và khí phách oai hùng của nghĩa quân Tây Sơn. Nói đến đầm Thị Nại là nói đến một vùng vịnh đẹp, lừng lẫy chiến công, lung linh huyền thoại…
Cù Lao Xanh như một bình phong án ngữ phía đông nam cửa Thị Nại và thành phố Quy Nhơn ngày nay. Cù Lao Xanh rất quen thuộc với ngư dân Bình Định vì khi chưa có hải đăng xây trên đảo, nó là ngọn tiêu phong để ngư dân Bình Định dong thuyền vào nam ra bắc định hướng về quê nhà:
Cửa Giã có hòn án ngoài
Các lái thường ngày hay gọi Lao Xanh
(Hát Vô)
Ba địa danh - ba hình ảnh trong bài ca dao không chỉ tượng trưng cho non nước, cảnh trí thiên nhiên Bình Định mà còn ẩn chứa vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách người Bình Định.
Hai câu đầu chủ yếu nói về cảnh, hai câu sau gợi tình nên bóng dáng con người xuất hiện: Em về Bình Định cùng anh. Đến đây cho thấy tác giả bài ca là "anh", là nhân vật trữ tình. Còn đối tượng trữ tình là "em". "Anh" và "Em" đều là đại từ phiếm chỉ. Câu thứ ba là một lời mời người bạn gái phương xa về quê anh. Lý do mời được nói rõ ở câu cuối cùng: Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa.
Nếu em về Bình Định sẽ được thưởng thức món ăn: canh bí đỏ nấu với nước dừa – một đặc sản người quê anh ưa thích. Lời mời có pha chút tinh nghịch nhưng chân tình nên dù cho "Em" có e ngại… nhưng hẳn là khó chối từ !
Trong hai câu sau tuy có anh và em, có anh mời em nhưng quan hệ giữa anh và em chưa phải là một quan hệ đã được xác định trong tình yêu lứa đôi, chưa phải là một tình yêu đã ít nhiều gắn bó. Anh mới là người đại diện cho các chàng trai Bình Định mời em là cô gái phương xa hãy về quê anh – nơi có núi sông, vịnh biển, có đảo xanh xinh đẹp, có đặc sản đậm đà hương vị dân quê.
Tuy không miêu tả nhưng ở hai câu đầu tiềm ẩn những rung cảm sâu sắc của con người trước thiên nhiên tươi đẹp gắn bó với cuộc sống. Ở hai câu sau, nhờ có con người xuất hiện, có quan hệ giữa con người với con người mà bài ca sống động hẳn lên.
Với mô-típ có sẵn trong nghệ thuật truyền thống của ca dao, tác giả dân gian đã chọn đúng những địa danh điển hình, tạo nên một khung cảnh điển hình không những đẹp về thiên nhiên mà còn ẩn chứa vẻ đẹp của hồn người.
Giá trị chủ yếu của bài ca là chứa đựng một nội dung lành mạnh, trong sáng với một nghệ thuật giản dị mà sâu sắc. Chỉ với 4 câu lục bát gồm 28 chữ, bài ca dao đã tái hiện lên trước mắt ta một bức tranh với những cảnh và tình. Tình và cảnh quyện vào nhau trong nước non Bình Định - xứ sở đẹp, thơ mộng với những con người tình sâu nghĩa nặng, gắn bó bền chặt với quê hương - Một xứ sở lung linh ánh ngọc nhân văn, quyến rũ lòng người.
THANH HẢI
(*) Kẻ Thử còn có tên là Cách Thử. Trên núi Kẻ Thử là Hòn Vọng Phu |